Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc ngày càng nhiều tỷ phú xuất thân từ bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định đây là vấn đề liên quan tới việc định giá đất đai.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Chất vấn bộ trưởng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề cập chuyện nhiều tỷ phú, đại gia ở Việt Nam hình thành từ việc làm những dự án bất động sản, khu đô thị trong khi người dân thì ngày càng khiếu kiện.
“Vậy có nên tiếp tục chính sách giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất với dự án, nhà đầu tư không?”, đại biểu nhấn mạnh.
Về việc sốt đất tại các khu vực sắp lên đặc khu đại biểu Hoàng Văn Cường nói: “Chính quyền không thể cấm giao dịch đất đai vì vi phạm hiến pháp. Vậy quan điểm của Bộ trưởng thế nào?
Trả lời đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đây là vấn đề liên quan tới việc định giá đất đai. Có 5 phương pháp định giá đất đai, nhưng thế giới làm được còn tại Việt Nam thì rất khó, vì đất đai biến động mạnh.
“Bộ rất mong muốn được hỗ trợ trong vấn đề sửa luật, điều chỉnh chính sách đất đai bằng các công cụ kinh tế để điều chỉnh giá đất và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực trước và sau quy hoạch, qua đó tính toán thu đầy đủ thuế gia tăng từ quá trình chuyển đổi.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường: “Nhà nước có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng quyền lợi sẽ được chia cho người dân. Với nhà đầu tư, chúng ta tính toán vẫn còn lợi nhuận.
Đương nhiên đấu giá đất đai vẫn là biện pháp hợp lý nhất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta chưa đấu giá được. Đã đấu giá phải dựa trên giá xác định, mà giá xác định hiện nay lại chưa theo giá thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác quản lý đất đai tại các đặc khu, Bộ trưởng cho biết: “Với việc đất đai tại 3 khu dự kiến làm đặc khu sốt lên, trừ trường hợp vi phạm pháp luật, giao dịch ngầm thì chúng ta sẽ xử lý. Còn không, chúng ta muốn đất không sốt lên thì phải sử dụng các công cụ kinh tế.
Chúng ta sẽ xem xét 1 người được mua bao nhiêu đất, mua nhiều hơn thì tăng giá. Sử dụng đất 3 năm là phải có lộ trình nếu không sử dụng thì tăng thuế đất đối với những người không sử dụng. Điều này cần được sửa trong Luật đất đai sắp tới”.
Nhiều người giàu lên từ bất động sản
Bất động sản ở Việt Nam là lĩnh vực béo bở, tạo ra siêu lợi nhuận. Điều này cũng xuất phát từ hệ thống pháp luật trong quản lý đất đai, quá trình cổ phần hóa chưa chuẩn xác, chưa hoàn thiện. Nhiều người đã biết chớp thời cơ hoặc do có quan hệ đặc biệt mà giàu lên rất nhanh.
Dẫn chứng rõ nhất là nhiều dự án bất động sản khi thu hồi đất của dân giá rất rẻ nhưng khi xây dựng cơ sở hạ tầng xong bán đất nền thì giá lên gấp mấy chục lần. Đó là siêu lợi nhuận. Nếu xây nhà xong, giá bán còn cao hơn nữa.
Lợi nhuận còn đến từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, định giá đất thấp. Tiếp đó là khi thực hiện chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng còn nhiều lỗ hổng khiến cho nhiều vị giàu lên nhanh chóng. Họ có được những vị trí đắc địa, đất vàng. Chúng ta có được hạ tầng nhưng đất vàng lại không được định giá đúng giá trị thực tế. Cuối cùng Nhà nước thiệt thòi. Rõ ràng, không ít tỷ phú Việt Nam thấy được “lợi thế” đó.
GS.TS Đặng Đình Đào
Theo Trí thức trẻ