Hiện tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu siết chặt hơn tín dụng địa ốc, nâng lãi suất cho vay mua đất, nhà, xây sửa nhà. So với vài tháng trước, mức lãi suất cho lĩnh vực BĐS đã tăng khoảng 2%/năm.
Trên thị trường, hiện có nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất mới cho vay – mua BĐS khoảng 12%/năm đối với khách hàng vay trung hạn. Trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân có thể lên đến 12,5%/năm.
Cụ thể, từ ngày 2/5 Ngân hàng Eximbank đã quyết định điều chỉnh biểu lãi suất cho vay mới đối với các khoản vay mua nhà, đất tăng thêm 1%/năm, lên mức 11%/năm. Mức lãi suất mới này áp dụng cho tất cả khoản vay bao gồm xây, sửa nhà, mua căn hộ…
Đối với người vay vốn mua nhà tại BIDV, ngân hàng này đã đưa ra 2 phương án. Nếu muốn lãi suất cố định trong thời gian 12 tháng, lãi suất là 7,8%/năm; còn cố định 24 tháng, lãi suất sẽ là 8,8%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 10,7%/năm).
Tương tự, Ngân hàng Việt Á đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà, đất với mức khoảng 12,38%/năm. Ngân hàng cho hay, thời gian tới có thể đẩy lãi suất cho vay sửa chữa, xây mới, mua nhà lên tới 13%/năm.
Một số ngân hàng khác có trụ sở tại Tp.HCM cũng tăng lãi suất vay mua nhà đất lên mức 12%-12,5%. Các ngân hàng giảm mức cho vay từ 60%-70% giá trị BĐS xuống còn 30%-40%. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa nhiều chính sách ràng buộc để “siết” tỉ lệ cho vay BĐS, trong đó điều chỉnh hệ số rủi ro từ 200% lên 250%.
Một số ngân hàng khác thì đưa ra chính sách theo hướng, chỉ xét cho vay 50% nhu cầu, số tiền còn lại phải vay theo chương trình thông thường với lãi suất 10,7 – 11%/năm.
Bên cạnh đó, do giá nhà đất vừa qua tăng khá nóng, nên các ngân hàng cũng thẩm định lại giá và chỉ cho vay tối đa 70% giá trị.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc siết chặt vốn vay, tăng lãi suất cho vay mua BĐS ở một số ngân hàng là tín hiệu tích cực bởi thời gian qua đất nền, nhà phố vùng ven quá nóng, vượt xa giá trị thật và cần có giải pháp điều chỉnh.
Biện pháp này sẽ hạn chế rủi ro dòng tiền vào BĐS, tập trung phát triển thị trường theo hướng bền vững, hướng đến nhu cầu thực chứ không phải đầu cơ, lướt sóng.
Theo Nhịp sống kinh tế