Thiếu mặt bằng sạch để thi công, nhiều hạng mục dự án ‘khủng’ chống ngập do triều cường của TP.HCM đối mặt nguy cơ chậm tiến độ…
Chưa có mặt bằng “sạch”
Ngày 8/3, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại công trường thi công dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng của TP.HCM. Tại cống Mương Chuối, đơn vị thi công cất nóc các trụ pin, thi công sàn công tác âu thuyền, làm thảm đá và rọ đá. Tương tự, tại cống Phú Xuân, đã lắp các thang tháp van T1, T2 và T3, thi công xà mũ, tường chắn song kè mang cống bờ quận 7 và huyện Nhà Bè; thi công kè gia cố thượng, hạ lưu. Còn tại cống Cây Khô, đã thi công âu thuyền tới cao trình dương 3,5m, tháp nâng hạ cửa trụ T1, T2, hoàn thiện thi công kè bờ Rạch Tôm, đóng cọc kè hạ lưu bờ Bình Chánh. Cống Phú Định cũng đã thi công xong âu thuyền, đổ bê tông buồng bơm, đóng cọc kè mang cống, hoàn thiện dầm mũ và cọc nhồi…
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Trungnam Group cho hay, đến nay, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 đã đạt 70% tiến độ. Phần trụ pin tại cống Phú Xuân, Mương Chuối đã thành hình. Tại các cống còn lại như: Cây Khô, Tân Thuận, Phú Định, Bến Nghé công tác thi công vẫn đang triển khai. Phần xây lắp của các cống cũng đã dần hoàn thành.
Theo đại diện Trungnam Group, tại 4 hạng mục đê kè và 7 cống ngăn triều có 254 hộ dân và 31 tổ chức nằm trong vùng ảnh hưởng, cần phải GPMB và di dời. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 146 hộ dân và 20 tổ chức, doanh nghiệp bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, tại cống Mương Chuối có 73 hộ dân và 1 tổ chức phải GPMB nhưng hiện vẫn còn tới 44 hộ chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
“Theo hợp đồng BT, dự án triển khai trong 3 năm (6/2016 – 6/2019). Việc hoàn thành đúng tiến độ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của UBND các cấp trong công tác đền bù, xử lý các công việc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Trong công tác giải phóng mặt bằng, hiện chính quyền các quận, huyện đang triển khai, nhưng “đất sạch” phục vụ dự án vẫn chưa được bàn giao đầy đủ cho doanh nghiệp dự án”, đại diện Trungnam Group thông tin.
Trong quá trình thực hiện các hạng mục, ở nhiều giai đoạn thi công, nhà đầu tư đã chủ động thương lượng, thuê mặt bằng của các doanh nghiệp, hộ dân tại khu vực để triển khai thi công dự án. Doanh nghiệp dự án cũng đã tạm ứng tiền để giúp đỡ bà con khu vực sinh sống, hỗ trợ người dân di dời. Theo hợp đồng, nhà đầu tư sẽ nhận được đất sạch từ UBND TP.HCM. Tuy nhiên đến nay, các quận, huyện nơi dự án đi qua vẫn chưa hoàn tất công tác GPMB. Chủ đầu tư, nhà thầu vẫn đang phải chờ đợi mặt bằng để thi công.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết, vì không có mặt bằng để thi công nên vừa qua đơn vị phải cho công nhân nghỉ Tết kéo dài. Nếu làm xuyên Tết, ra Giêng, công nhân sẽ không có việc để làm. Đến thời điểm này, dự án chống ngập khó có thể hoàn thành theo kế hoạch vào dịp 30/4 như cam kết vì thiếu mặt bằng. Nếu được giao mặt bằng, ông Tiến cho biết, phần việc còn lại của dự án sẽ hoàn thành sau 6 tháng thi công.
Xử nghiêm các trường hợp chây ì
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP HCM) cho biết, đây là dự án đặc biệt quan trọng với người dân TP.HCM. Khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục thuộc dự án giải quyết ngập do triều cường sẽ để kiểm soát triều cho lưu vực rộng lớn với 550 km2. Theo báo cáo của Công ty TNHH Trung Nam 1547, tiến độ hoàn thành dự án vẫn theo hợp đồng BT đã ký kết.
“Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo tại Thông báo số 98/TB-VP ngày 13/2. Theo đó, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND quận 1, quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè tập trung rà soát, có báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện công tác bồi thường GPMB và kế hoạch, tiến độ triển khai cụ thể trong năm 2018. Kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật, không để tình trạng lấn chiếm đất, gây khó khăn triển khai dự án”, ông Long nói.
Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện tìm hiểu kỹ tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng để có phương án xử lý dứt điểm. Các địa phương lập biên bản từng trường hợp cụ thể, có danh mục hộ dân cụ thể và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tính chính xác số liệu thể hiện trong báo cáo.
Theo: Mai Huyên/ Báo Giao thông