Liên quan đến Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định gần đây đã xảy ra chuyện biểu tình, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, các phần tử đã kích động gây rối.
Sáng 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân và Hà Đông sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các cử tri, Tổng Bí thư dành một phần đáng kể thời gian nói thêm về các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Đơn vị Hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu ) đã được lùi lại và Luật An ninh mạng mới được thông qua trong kỳ họp thứ 5.
Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri TP Hà Nội sáng 17-6 – Ảnh: Nguyễn Nam
Liên quan đến 2 luật nói trên, Tổng Bí thư nhận định gần đây dư luận, báo chí trong nước “đang sôi sục” và xảy ra chuyện biểu tình, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, các phần tử kích động gây rối.
“Chúng ta tập trung chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu, chống đối với động cơ xấu”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Giải thích riêng về Luật Đặc khu, Tổng Bí thư cho biết Việt Nam có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Thời đó, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng và đã đi khảo sát khu vực Vân Phong (Khánh Hoà) để thử nghiệm. Nhìn nhận đây là một cách để thu hút đầu tư và cũng là vấn đề “khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng”, Tổng Bí thư cho biết các bước làm đều rất thận trọng. “Nghị quyết của Trung ương cùng các chỉ thị đều có nêu rõ làm thế nào cho hiệu quả vì liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, làm sao vừa phát huy được sức mạnh trong và ngoài nước nhưng đảm bảo chủ quyền. Đó là sự nhất quán. Còn thiết kế cụ thể thế nào mỗi nước mỗi khác, mỗi khu vực mỗi khác”- Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư cũng phân tích thêm: Khi có ý kiến đóng góp thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội thấy cần lắng nghe, tiếp thu, khi nào hoàn thiện được tốt mới thông qua. “Chúng ta đã thông qua đâu, để lại để có thêm thời gian làm việc. Từ chiều mùng 8-6 đã quyết định dừng, sao đến mùng 10 và 11-6 vẫn biểu tình, chứng tỏ là có ý đồ”- Tổng Bí thư chỉ rõ.
Nói thêm về nội dung cho thuê đất 99 năm khiến dư luận “dậy sóng”, Tổng Bí thư khẳng định “không phải bàn giao cho nước A, nước B nào thuê được vào tự do mà tuỳ từng dự án cụ thể”.
Theo pháp luật hiện hành, thời hạn cho thuê đất được quy định không quá 70 năm. Nhưng, vì đây đặc khu nên theo dự kiến ban đầu, để khuyến khích đầu tư thì đưa ra quy định không quá 99 năm. Tuy vậy, để được thuê đất với thời hạn đó thì phải thông qua nhiều quy trình, Thủ tướng phê duyệt mới được làm.
“Lợi dụng điểm này để nói Trung Quốc vào 99 năm là mất nước, kích động đi biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước, dẫn đến làm việc chống đối, phá hoại. Bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu việc khác, có bàn tay phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài”- Tổng Bí thư chỉ rõ và mong muốn cử tri hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Tổng Bí thư nói thêm: “Tất cả đều vì nước, vì dân thôi chứ không có mục đích nào khác, không ai dại dột, ngây thơ giao đất cho nước ngoài để người ta vào đây”.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc phá hoại của các phần tử đã có từ trước với các vụ việc năm 2001, 2004 xảy ra ở Tây Nguyên, năm 2014 ở Mường Nhé. Lưu ý việc lợi dụng biểu tình phá rối chính trị là rất nguy hiểm, Tổng Bí thư cũng mong cử tri, nhân dân tỉnh táo phê phán, đập tan âm ưu phá hoại.
Về những vấn đề được nêu ra liên quan đến Luật An ninh mạng, Tổng Bí thư cũng cho rằng có sự kích động.
Tổng Bí thư nói: “Trên thế giới, rất nhiều nước có luật này. Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, có nhiều lợi ích nhưng mặt khác quản lý rất khó. Từ đây, có kích động, biểu tình, gây rối, lật đổ chính quyền. Do đó, cần luật này bảo vệ chế độ này, không thể để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ, nhưng, lợi thì rất lợi, nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác. Phải có luật bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia và quyền công dân”.
Tổng Bí thư cũng rất thẳng thắn chia sẻ rằng nội bộ có khuyết điểm thì sửa, không nuông chiều, che giấu tiêu cực, Tuy thế, lợi dụng để kích động, chống chế độ thì sẽ mất nước, mất chế độ.
“Hai luật này rất nhạy cảm. Luật An ninh mạng thông qua rồi, Luật Đặc khu thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, có lợi thì thông qua”- Tổng Bí thư chốt lại.
Người lao động