Hàng loạt giao dịch bán đi rồi mua lại cổ phiếu Yeah1 trước và sau khi lên sàn khá giống với cách thức mà Vietjet hay VPBank đã thực hiện khi IPO.
Ngày 27/06/2018, tức phiên giao dịch thứ 2 sau ngày chào sàn của Yeah1 (YEG), cổ phiếu này xuất hiện giao dịch thỏa thuận 7,82 triệu cổ phiếu tại mức giá 300.000 đồng/cp và khối ngoại là bên mua vào.
Trước đó, Yeah1 không chỉ gây chú ý bởi loại hình kinh doanh đặc biệt của mình hay mức giá chào sàn 250.000 đồng kỷ lục, mà còn bởi giao dịch mua bán có phần kỳ lạ của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và cổ đông lớn DFJ VinaCapital.
Cụ thể, số liệu từ đăng ký kinh doanh của công ty cho biết, tại thời điểm ngày 21/04/2018, với vốn điều lệ 274 tỷ đồng (tương đương 27,4 triệu cổ phiếu) thì cơ cấu cổ đông của Yeah1 như sau:
Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất gồm ông Tống nắm 11,3 triệu cổ phiếu, DFJ VinaCapital nắm 9,8 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến thời điểm 24/05/2018, tức 1 tháng trước ngày YEG chào sàn HOSE, ông Tống chỉ còn nắm 7,4 triệu cp và DFJ VinaCapital chỉ còn nắm 1,95 triệu cp. Theo thông tin chúng tôi được biết, ông Tống đã bán 3,91 triệu đơn vị cho ông Hồ Ngọc Tấn, còn DFJ VinaCapital bán 7,82 triệu đơn vị cho một nhóm cổ đông khác.
Nhưng cũng rất nhanh chóng, Yeah1 sau khi niêm yết sẽ phát hành riêng lẻ 3,91 triệu cổ phiếu với giá 300.000 đồng/cp cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, như vậy, số lượng cổ phiếu của Chủ tịch công ty sau khi mua cổ phần riêng lẻ sẽ quay trở về con số 11,3 triệu đơn vị.
Tại sao ông Tống mua lại đúng lượng cổ phiếu mình đã bán ra trước đó? Là bởi vì ông Tống không hề có ý định giảm số lượng cổ phiếu YEG mà ông nắm giữ, nhưng việc bán ra trước khi Yeah1 niêm yết là điều cần thiết cho cấu trúc giao dịch của thương vụ này.
Về bản chất, Yeah1 thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số cổ phần bán ra là 7.820.000 cổ phần nhưng không giống như các vụ IPO bình thường, nhà đầu tư IPO Yeah1 sẽ không mua cổ phần trước khi doanh nghiệp niêm yết. Họ sẽ mua cổ phiếu vào ngày thứ 2 sau khi YEG đã được giao dịch trên thị trường niêm yết (để được phép giao dịch thỏa thuận) với giá 300.000 đồng – là giá đã được quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán, tương tự như giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán thông thường.
7,82 triệu cổ phiếu này do nhóm cổ đông đã mua từ DFJ VinaCapital bán ra.
Đây được gọi là cấu trúc DVP (Delivery versus Payment). Với cấu trúc như vậy, cổ phiếu sẽ về tài khoản của nhà đầu tư IPO và được phép giao dịch tự do sau 3 ngày làm việc. Điều này sẽ hạn chế rủi ro về thời gian chờ đợi cổ phiếu IPO được giao dịch chính thức.
Tuy nhiên, như ông Andy Ho – Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital – chia sẻ, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Yeah 1 do đánh giá cao tốc độ tăng trưởng của Yeah1 trong xu hướng quảng cáo qua các kênh kỹ thuật số của người dùng ngày càng tăng.
Vì vậy, theo thông tin chúng tôi có được, DFJ VinaCapital hoặc đơn vị có liên quan sẽ còn có giao dịch lại mua cổ phiếu YEG trong thời gian tới, khi Yeah1 thực hiện nới room nước ngoài xong. Và nhiều khả năng là sẽ mua lại cổ phiếu của ông Hồ Ngọc Tấn. Sau phiên giao dịch ngày 28/6 thì nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu tối đa ở 49% cổ phần của Yeah1.
Như vậy, sau khi kết thúc quá trình bán/mua lại/phát hành mới thì có thể tóm tắt các giao dịch như sau:
+ Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giữ nguyên lượng nắm giữ 11,3 triệu cổ phiếu (bán 3,91 triệu cổ phiếu rồi mua phát hành mới lượng tương đương)
+ DFJ VinaCapital bán ròng 3,91 triệu cổ phiếu (bán 7,82 triệu, mua lại 3,91 triệu)
+ Nhà đầu tư mới mua vào 7,82 triệu cổ phiếu
+ Yeah1 thu về 1.173 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống
Phương thức giao dịch này cũng đã được nhiều doanh nghiệp khác thực hiện khi tiến hành IPO và niêm yết từ đầu năm 2017 đến nay Vietjet, VPBank hay VCSC. Theo đó, một số cổ đông chủ chốt đã bán cổ phiếu của mình cho nhà đầu tư ngay trước khi lên sàn rồi mua cổ phiếu phát hành mới với giá đúng bằng mức giá đã bán cho nhà đầu tư.
Trong trường hợp của Vietjet, công ty Đầu tư Hướng Dương Sunny – công ty đầu tư thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – đã bán 44,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Sau đó, Vietjet phát hành riêng lẻ 22,4 triệu cổ phiếu cho công ty này, tương đương 1/2 số cổ phiếu đã bán ra.