Đó là khẳng định của Sở Xây dựng TP.HCM tại buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân về hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất của TP.HCM ngày 30/6
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết trong 10 năm (từ 2006-2017), TP.HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách mua lại hơn 40.000 căn hộ, nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án. Đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm khoảng 65%. Còn dư gần 14.000 suất tái định cư, tương đương với 35% chưa sử dụng, hiện Nhà nước đang quản lý.
Lý giải về nguyên nhân vì sao TP.HCM đang bị “thừa” đến 14.000 căn hộ tái định cư, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do có sự thay đổi về chính sách pháp luật bồi thường, tái định cư. Theo đó, trước đây khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ. Có trường hợp để ở nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận tái định cư xong, họ đã bán lấy tiền đi nơi khác sinh sống.
Sau này khi chính sách sát với giá thị trường thì rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân.
Ngoài ra quá trình bố trí, tái định cư cũng chưa sát với đời sống của người dân. Có tình trạng nơi tái định cư quá xa nơi ở cũ, có nơi thì điều kiện sinh hoạt không thuận lợi…
Về việc dư gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư, theo lãnh đạo Sở Xây dựng trong số này, thành phố sẽ tiếp tục giữ lại hơn 8.500 căn hộ và nền đất giao cho các quận huyện bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa trong 153 dự án đã và đang chuẩn bị triển khai. Gần 5.500 căn hộ và nền đất còn lại sẽ bán đấu giá để thu hồi vốn.
Theo Trí thức trẻ