Bán chui
Vào ngày 20/5/2015, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã ra Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐQT về việc nhận chuyển nhượng 98,75% cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Tâm Thông. Giá trị của thương vụ này là 152 tỷ đồng.
Công ty Tâm Thông có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0307702880 do Sở Kế hoạch Đầu tư cấp lần đầu vào ngày 17/3/2009. Địa chỉ trụ sở nằm tại 87 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.
Việc DXG mua lại Công ty Tâm Thông là để lấy lô đất nằm ở mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM và số 69, An Dương Vương, phường 16, quận 8, TP.HCM. Lô đất ở mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, DXG phát triển thành dự án Auris City. Còn lô đất số 69 An Dương Vương, DXG làm dự án Cara Riverview. Tuy nhiên, cả hai dự án này đều bị treo.
Khu đất mà LDG đang xây dựng dự án High Intela có nguồn gốc từ đất ao, đất nuôi trồng thuỷ sản. |
Dự án Auris City trước đây có tên là Khu thương mại dịch vụ văn phòng và khu căn hộ phường 18, quận 8 rộng 8.823m2. Dự án này được Công ty Tâm Thông mua đất nhà kho và đất ao từ hàng loạt hộ dân.
Theo kế hoạch ban đầu mà Công ty Tâm Thông lập, Khu thương mại dịch vụ văn phòng và khu căn hộ phường 18 có dân số 1.150 người, chiều cao 10-20 tầng. Trong đó, khu thương mại dịch vụ 10 tầng, căn hộ 20 tầng. Tổng vốn đầu tư gần 356 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2009-2011.
Sau đó, Công ty Tâm Thông tiến hành xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ao, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm kho chứa hàng qua xây dựng cao ốc văn phòng. Được chấp thuận đầu tư dự án theo quyết định số 1491/UBND-ĐT ngày 26/12/2012…
Bị thâu tóm và trở thành công ty con của DXG, ngày 16/10/2015, Công ty Tâm Thông có văn bản số 013/TTr-AurisCity xin lập quy hoạch 1/500 cho Khu cao ốc phức hợp Auris City rộng 7.825,7m2. Lúc này, Auris City chỉ còn toàn bộ là chung cư với 540 căn, cao 22 tầng. Quy mô dân số được đẩy lên 1.300 người.
Trong khi đó, dự án Cara Riverview ban đầu có tên là Khu dân cư cao tầng phường 16, quận 8 TP.HCM rộng 3.414,5m2. Tổng số căn hộ của dự án là 168 căn, cao 17 tầng. Sau đó, Công ty Tâm Thông đổi tên dự án thành chung cư Phúc Trạch.
Tại dự án này, Công ty Tâm Thông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA881658 với diện tích 2.027m2. Diện tích còn lại, Công ty Tâm Thông mua từ bà Ngô Thị Thông theo biên bản thoả thuận đền bù được UBND phường 16 quận 8 xác nhận ngày 14/10/2010.
Dự án này đã được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư tại quyết định số 6896/QĐ-UBND, chấp thuận độ cao xây dựng tĩnh không công trình theo văn bản số 347/TC-QC ngày 11/11/2015 và hàng loạt thủ tục pháp lý khác.
Bằng việc chi ra 152 tỷ đồng để mua lại 98,75% cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Tâm Thông, DXG đã trở thành chủ đầu tư mới của 2 dự án tại quận 8. Ở thương vụ này, DXG được sở hữu tới 11.240m2 đất ở hai mặt tiền Võ Văn Kiệt, An Dương Vương. Tính trung bình, DXG chỉ mất 13,5 triệu đồng/m2.
Sau khi thâu tóm, dự án Khu thương mại dịch vụ văn phòng và khu căn hộ phường 18, quận 8 được DXG đổi tên thành Auris City và đã làm xong nhà mẫu. Dự án chung cư Phúc Trạch được đổi tên thành Cara Riverview và rào xung quanh khuôn viên dự án. Tuy nhiên, cả hai dự án đều không thể triển khai được do rắc rối trong việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp.
Sau hai năm bỏ hoang, đến cuối năm 2017 thì Công ty Cổ phần Đầu tư (LDG) bất ngờ trở thành chủ đầu tư mới của Auris City và đổi tên dự án thành High Intela. Dự án High Intela có tổng diện tích xây dựng gần 9.000m2, cao 22 tầng với 540 căn hộ thương mại, dự kiến sẽ bàn giao nhà vào năm 2019.
Dự án High Intela hiện tại từng mang tên Auris City. |
Tương tự, dự án chung cư Phúc Trạch cũng về tay LDG và được đổi tên thành West Intela vào đầu năm 2018. Dự án này có tổng diện tích gần 3.000m2 với 238 căn hộ được thiết kế theo mô hình căn hộ thông minh công nghệ 4.0.
Điều lạ lùng là cả DXG và LDG đều là hai công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên HSOE. Tuy nhiên, việc DXG bán Công ty Tâm Thông hay việc LDG mua hai dự án này đều không được công bố thông tin. Điều này vi phạm Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Vì sao?
Công bằng mà nói, hai dự án High Intela và West Intela có vị trí đắc địa ở quận 8. Từ đây vào trung tâm TP.HCM chỉ mất 20-25 phút khi chạy dọc theo Đại lộ Võ Văn Kiệt. Tại sao DXG lại rút ruột bán quỹ đất mà mình đã dày công thâu tóm?
Để hiểu được vấn đề này, hãy nhìn vào cơ cấu cổ đông của LDG. Theo báo cáo quản trị 2017 của LDG, hiện tại DXG đang là cổ đông lớn của LDG và nắm 26,7% vốn điều lệ. Ngoài ra, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng, công ty con của DXG cũng đang có 10,62% vốn điều lệ của LDG.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (được đổi từ Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát), công ty con của DXG nắm 6,06% vốn điều lệ LDG. Như vậy, trên giấy tờ DXG đang nắm 43,38% vốn điều lệ của LDG và có quyền phủ quyết. Chưa kể, các cổ đông có liên quan sở hữu dưới 5% không thuộc diện phải công bố.
Nguyên nhân thứ 2 mà việc chuyển nhượng quỹ đất từ DXG sang LDG để làm bàn đạp cho LDG tiến dần về thị trường TP.HCM, theo định hướng phát triển của LDG. Hiện tại, ngoài High Intela và West Intela thì LDG mới chỉ phát triển thêm một dự án ở TP.HCM là Saigon Intela ở đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh. Dự án Saigon Intela cũng có nguồn gốc đất từ DXG.
Về nhận sự, vào ngày 7/12/2016, ông Nguyễn Khánh Hưng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị LDG và là người công bố thông tin, đại diện theo pháp luật của công ty. Hiện tại, ông Hưng cũng đang là Phó tổng giám đốc và là Thành viên Hội đồng quản trị DXG.
Ông Hưng chỉ là một trong hàng loạt nhân sự có liên quan đến DXG. Sự phát triển của LDG, việc luân chuyển dòng tiền dường như không có sự tách rời giữa LDG và DXG. Điển hình là tại báo cáo tài chính quý III năm 2017, LDG có khoản phải thu từ khách hàng cá nhân mua đất nền là 40,6 tỷ đồng và khoản phải thu từ khách hàng tổ chức hơn 453 tỷ đồng.
Khoản phải thu từ các khách hàng tổ chức tập trung vào 3 đối tác là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch Khang Hưng 406,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bất động sản Linkgroup 45,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bất động sản Unihomes 985 triệu đồng.
Trong đó, Linkgroup là cái tên gắn nhiều với LDG và DXG nhất. Cụ thể năm 2016, LDG từng chi tạm ứng cho Linkgroup tới 208 tỷ đồng theo biên bản ghi nhớ số 01/2016/BBGN/LDG-LG ngày 23/12/2016. Lúc đó, Linkgroup mới thành lập được hơn 1 năm.
Theo đăng ký thay đổi ngày 9/5/2016, cơ cấu sở hữu Linkgroup là 2 cái tên, gồm Công ty Cổ phần Đầu tư NAV 80% vốn và Thạch Mạnh Sang 20% vốn điều lệ. NAV được thành lập ngày 31/7/2017, đăng ký trụ sở ở tầng 1, An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, phường 7, Quận 3, TP.HCM. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NAV là bà Phạm Nguyễn Thúy An cũng chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina Holdings, chủ sở hữu của Công ty Khang Hưng.
Thêm nữa, NAV chính là một trong các nhà đầu tư đã tham gia đợt phát hành chào bán riêng lẻ 22,2 triệu cổ phiếu cho các cổ đông và đối tác chiến lược của DXG vào đầu năm 2014. Lúc đó, NAV đã nhận phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu DXG để trở thành cổ đông lớn, với tỷ lệ sở hữu 8,05%.
Phối cảnh dự án West Intela do LDG làm chủ đầu tư. |
Còn ông Thạch Mạnh Sang, người nắm 20% cổ phần NAV lại chính là Tổng giám đốc Linkgroup. Ông Sang cũng đảm nhận cương vị Thành viên Hội đồng quản trị LDG. Trước đó, ông Sang từng trải qua các chứ vụ như Giám đốc nhân sự, Trợ lý Tổng giám đốc, Giám đốc kinh doanh tại DXG.
Đó là chưa kể, ngày 31/8/2017, LDG ban hành Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐQT, thông qua chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư lô số 3, khu 9A+B, khu chức năng số 9, Khu Đô thị mới Nam Sài Gòn với hình thức mua cổ phần Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Gia Lộc. Việc thâu tóm này là để làm dự án Saigon Intela.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Gia Lộc lúc đó là ông Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1976, quê Bình Định. Thực tế, ông Anh mới bắt đầu đảm nhiệm chức vụ trên được 1 tháng trước khi bị LDG thâu tóm. Trước đó, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Gia Lộc là của ông Nguyễn Phạm Anh Tài.
Hiện tại, ông Nguyễn Phạm Anh Tài là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Tài chính của LDG. Ngoài ra, ông Tài còn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Sun Holdings, nhà đầu tư nhận phát hành riêng lẻ 8 triệu cổ phiếu LDG vào cuối tháng 9/2017.
Còn về ông Hà Hữu Khương, người nhận hơn 280 tỷ đồng từ LDG để nhượng lại 90% vốn góp tại Công ty Gia Lộc là người đang đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Thăng Long, Công ty Cổ phần Sài Gòn Riverview.
Cả hai công ty này cũng là công ty con của DXG khi được sở hữu 99,9% vốn điều lệ, cùng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và môi giới bất động sản, cùng đăng ký trụ sở chính tại 27 Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Như vậy có thể thấy, cả ba quỹ đất mà LDG phát triển dự án ở thời điểm hiện tại là Saigon Intela, High Intela và West Intela đều có dính dáng đến DXG.
Bài 5: Tập đoàn Đất Xanh: Chủ đầu tư gắn liền với hàng loạt dự án tai tiếng
Đi liền với việc phát triển thần tốc của Đất Xanh khi chuyển mình từ công ty môi giới sang đầu tư dự án là hàng loạt tai tiếng như mua bán dự án chui, thi công ẩu gây nứt lún nhà dân, bàn giao nhà nham nhở cho khách hàng, chơi chiêu khi bầu Ban quản trị chung cư…
NGUYỄN DUY
Nguồn: baocungcau.net