Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2018, cho thấy thị trường căn hộ trong quý 2 suy giảm ở cả hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, về lượng mở bán mới và lượng bán ra, so với Quý 2/2017 và Quý 1/2018.
Trên cả hai thị trường TP.HCM và Hà Nội, phân khúc trung cấp vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, tại thị trường Hà Nội, tổng nguồn cung căn hộ để bán mới trong quý 2/2018 đạt 6.534 căn, giảm nhẹ 2,49% so với quý 2/2017 và giảm tới 27,40% nếu so với quý 1/2018. Lượng căn hộ giao dịch cũng suy giảm xuống còn 5.900 căn, giảm 3,55% so với cùng kỳ năm trước và giảm đáng kể ở mức 44,34% so với quý 1/2018.
Thị trường TP.HCM cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ hơn cả về lượng mở bán mới và giao dịch thành công. Cụ thể, số căn hộ mở bán mới trong quý là 6.109 căn, giảm tới 55,24% và 19,94% lần lượt so với quý trước và quý 2/2017.
Trong khi đó, lượng bán ra cũng chỉ đạt 6.947 căn, chưa bằng một nửa so với quý 1/2018 và cũng giảm tới 22,66% so với cùng kỳ năm 2017. Phân khúc trung cấp chứng kiến sự sụt giảm theo quý lớn nhất ở mức 62%.
Trong khi mức giá trung bình ở thị trường sơ cấp tại Hà Nội giảm 0,4% theo quý, giá bán của thị trường này tại TP.HCM lại tăng 3% (theo quý) do các dự án cao cấp có mức tăng giá ấn tượng.
Theo VEPR, thị trường BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực BĐS đã vươn lên đứng thứ hai sau nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo về thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đạt 5,54 tỷ USD.
Trong thời gian tới khi tồn tại khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá, thị trường bất động sản nhiều khả năng đối diện với nguy cơ suy giảm. Đây là rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý vì nó sẽ làm thay đổi toàn bộ trạng thái thị trường hiện nay.
Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đức Thành, hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu.
Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế. Trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiêm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân.
Theo Nhịp sống kinh tế