Việc ông Trump sẵn sàng “đấu tay bo” với Trung Quốc đã được các công ty và người lao động Mỹ ủng hộ. Nhưng các nhà đàm phán cảnh báo rằng các cuộc thương lượng chỉ thành công nếu có chủ đích rõ ràng.
Các căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã dẫn đến việc Trung Quốc đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% đối với dầu thô và các sản phẩm lọc dầu từ Mỹ.
Nếu điều này thành hiện thực, dầu thô Mỹ – vốn đang được ưa chuộng mạnh ở châu Á vì có giá giảm 9USD/thùng so với dầu Brend – sẽ mất đi tính cạnh tranh. Giới phân tích cảnh báo mức thuế mới cũng sẽ giới hạn thu nhập của các công ty xuất khẩu dầu Mỹ và buộc họ phải chấp nhận giảm giá cho một số người mua mới nhằm bù đắp vào doanh thu bán hàng cho Trung Quốc – thị trường xuất khẩu riêng lẻ lớn thứ hai của Mỹ sau Canada.
Trong khi chiến tranh thương mại có thể tác động tới kinh tế toàn cầu, qua đó ảnh hưởng xấu tới nhu cầu về dầu mỏ toàn cầu trong thời gian dài dù trước mắt thì OPEC sẽ là “ngư ông đắc lợi”. OPEC và cả Nga nữa sẽ rất vui mừng để lấp vào chỗ trống mà Mỹ để lại trên thị trường Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Trung Quốc đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ về thương mại. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chưa chắc Trung Quốc sẽ áp các mức thuế mới đối với dầu nhập khẩu từ Mỹ, mà đây chỉ là một chiến thuật đe dọa trong một cuộc cãi vã về thương mại. Chiến tranh thương mại sẽ lại “được trì hoãn”, nhưng trong trường hợp Trung Quốc thực hiện lời đe dọa đó, hầu như bất kỳ ai cũng sẽ là người thua cuộc xét về lâu dài.
Trung Quốc bối rối
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Trung Quốc đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ về thương mại. Ông lên án các mối đe dọa đến các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, để rồi sau đó lại đồng ý dỡ bỏ một lệnh cấm làm ăn kinh doanh với gã khổng lồ viễn thông ZTE của Trung Quốc. Ông chỉ trích thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, nhưng sau đó lại bác bỏ đề xuất của Bắc Kinh (mà các quan chức cấp dưới của ông đã thương lượng được) về việc tăng mua hàng hóa Mỹ trị giá hàng tỷ USD. Đằng sau những “nhát nhử” và “cú đâm” ấy, ông Trump lôi ra quá nhiều vấn đề khác nhau, khiến người ta khó có thể hiểu ưu tiên của ông thực sự là gì.
Chiến lược này chính là “nghệ thuật thỏa thuận”: “Tôi đặt mục tiêu rất cao, sau đó tôi chỉ thúc đẩy, thúc đẩy và thúc đẩy để có được điều tôi muốn sau đó”. Nhưng một số người hoài nghi rằng cách tiếp cận này đang biến thành cuộc thương lượng với một siêu cường khu vực. Xét về mọi mặt, nó đã làm cho người Trung Quốc ngày càng bối rối hơn về việc ông Trump thực sự muốn gì vào thời điểm quan trọng, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang ngấp nghé bờ vực một cuộc chiến tranh thương mại.
Derek Scissors, một học giả tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, nhận định nếu Mỹ không có các đề nghị rõ ràng, thì Bắc Kinh khó lòng đưa ra nhiều đề xuất. Ông nói: “Sự nhượng bộ phải để nhận lại điều gì”.
Phát biểu tại Viện nghiên cứu Mỹ của Trung Quốc, Công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington Lý Khắc Tân cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các đối tác Mỹ hãy giữ uy tín. Khi bạn đồng ý thì đó là bạn muốn thế”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nặng lời chỉ trích Mỹ là “đồ đồng bóng”.
Có thể nói cách tiếp cận kiểu ông Trump là một sự đảo ngược chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ qua, theo đó đàm phán về một loạt vấn đề thương mại hàng năm nhằm đạt nhiều tiến bộ hơn. Mọi thành quả đều đảm bảo bởi việc thuyết phục Bắc Kinh rằng một nền kinh tế mở cửa hơn nữa là tốt nhất cho các lợi ích của họ – một chiến thuật đến nay bị cáo buộc là phát huy tác dụng quá chậm chạp và hạn chế. Việc ông Trump sẵn sàng đấu Trung Quốc một cách trực tiếp hơn đã được các công ty và người lao động Mỹ ủng hộ. Nhưng các nhà đàm phán cảnh báo rằng các cuộc thương lượng chỉ thành công nếu có chủ đích rõ ràng.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết chính các chính sách đáng lên án của Trung Quốc (đánh cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ Mỹ, trợ cấp quy mô lớn cho các công ty của mình để bán với gia thấp hơn giá thị trường…) đã buộc Mỹ phải áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Nhưng đã có những cảnh báo trọng tâm chính của Tổng thống Mỹ nhằm vào thâm hụt thương mại có thể khiến ông bị lạc hướng khỏi mục tiêu tìm cách thay đổi cấu trúc kinh tế của Trung Quốc (mà Mỹ cho là phi thị trường).
Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow chỉ rõ rằng mục tiêu là giảm các hàng rào đối với hàng xuất khẩu của Mỹ (như thuế chẳng hạn). Nhưng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc chắc chắn áp với Mỹ cách ứng xử về thuế tương tự như mọi thành viên khác trong WTO, khiến các cuộc thương lượng về giảm thuế quan trở nên càng khó khăn hơn.
Những container hàng hóa ở cảng nước sâu Yangshan, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, các mức thuế mới của Mỹ, nhằm đạt các nhượng bộ từ Trung Quốc, lại được tuyên bố là nhằm phản ứng với hành động đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ.
Trung Quốc phản ứng với các mức thuế mới thông báo đó bằng việc lập danh sách áp thuế đối với hàng hóa Mỹ tương đương về quy mô và thời gian so với hành động của phía Mỹ. Ông Trump đáp lại bằng đe dọa đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 450 tỷ USD. Chính quyền Mỹ cũng có kế hoạch đưa ra các hạn chế đầu tư mới vào quốc gia châu Á này.
Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro chỉ trích, nếu Bắc Kinh nghĩ họ có thể mua thêm một vài sản phẩm từ nước Mỹ và cho phép chúng tiếp tục gắn mác sở hữu trí tuệ của chúng ta, thì họ đã nhầm”.
Vậy phải nhượng bộ như thế nào mới đủ?
Chính quyền Mỹ hồi tháng 5 nói rằng họ muốn Trung Quốc giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại với Mỹ đến năm 2020. Họ cũng đề nghị Trung Quốc ngừng hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ cao như robot và phương tiện năng lượng thay thế được nêu trong kế hoạch kinh tế chiến lược của Trung Quốc, cắt giảm thuế đánh vào “các sản phẩm thuộc lĩnh vực không quan trọng” xuống mức bằng hoặc thấp hơn thuế của Mỹ và đảm bảo không thách thức các hành động của Mỹ trong tranh cãi về sở hữu trí tuệ.
Trong một dòng Twitter vào tháng 4, ông Trump viết: “Chúng ta không gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Giờ chúng ta có mức thâm hụt 500 tỷ USD/năm, cộng với tổn thất vì đánh cắp sở hữu trí tuệ thêm 300 tỷ USD nữa. Chúng ta không thể để chuyện này tiếp diễn!”.
Nhưng ông lại “tung hỏa mù” hồi tháng khi đề xuất ký một thỏa thuận cứu tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc ZTE, tập đoàn mà giới chuyên gia cho là có thể được sử dụng như một ví dụ về các công ty Trung Quốc vi phạm pháp luật. Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 4 đã ban bố lệnh cấm 7 năm đối với các công ty Mỹ làm ăn với ZTE, cáo buộc công ty này có các giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên và Iran. Lệnh cấm này đe dọa khiến ZTE sụp đổ. Rồi ông Trump lại đưa đẩy trên Twitter rằng ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phối hợp để “đưa ZTE trở lại, thật nhanh chóng” và rằng “quá nhiều việc làm ở Trung Quốc bị mất”.
Bình luận về những diễn tiến này, Josh Kallmer, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Hội đồng Công nghiệp công nghệ thông tin, cho rằng “cách đặt câu hỏi thì đúng, nhưng trả lời sai”. Theo đó, thay vì thế, Mỹ nên chỉ tập trung vào vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ, và nên nhờ đến sự giúp đỡ của các đồng minh như Canada, châu Âu và Nhật Bản, hơn là khiến các nước này phải đứng lên phản đối Mỹ.
Còn tiếp
Diệu An