“Hãy nghĩ rằng chúng ta có lợi trong chiến lược và địa chính trị”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Một chủ đề lớn được đặt ra trong hội thảo về kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) sáng 20/7 là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo của CIEM, do ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô trình bày, cho biết với độ mở thương mại cao (ở mức trên 185% GDP), hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tương đối phức tạp của những diễn biến leo thang căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc.
Ông Nguyễn Anh Dương
Dù vậy, tác động trực tiếp của việc Mỹ áp bổ sung thuế nhập khẩu thêm 25 điểm % đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá 34 tỷ USD, từ 6/7/2018) có thể khá hạn chế với Việt Nam.
Nguyên nhân là do những mặt hàng bị áp thuế đều là những mặt hàng máy móc, công nghệ tương đối đặc thù, khó có thể chuyển sang Việt Nam để lách thuế.
Nhưng, tác động gián tiếp khá khó lường do phản ứng quá nhanh và quá mức của nhà đầu tư trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, dòng vốn ra – vào Việt Nam và có thể tương tác với cả thị trường vốn Việt Nam.
Theo CIEM, trong trung và dài hạn, tác động đối với thương mại của Việt Nam còn phụ thuộc vào quy mô và diễn biến của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc.
Bởi, đợt áp thuế từ 6/7 vừa qua mới chỉ là một trong những động thái đầu tiên. Theo đó, động thái tiếp theo của Mỹ còn phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc. Thực tế Mỹ đã công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD để lấy ý kiến về việc áp thuế bổ sung, sau khi Trung Quốc áp thuế để trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
CIEM cũng cho rằng khả năng các mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế bổ sung sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác để cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam, hoặc chuyển hướng sang Việt Nam là không nhỏ.
Việc Trung Quốc sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam là một khả năng bất lợi khác, báo cáo của CIEM chỉ ra.
Do đó, cơ hội, dù ít và khó khăn, vẫn hiện hữu khi Việt Nam có thể tranh thủ thu hút những dòng vốn đầu tư chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Nghĩa là có thể nhập có chọn lọc những sản phẩm công nghệ phù hợp của Trung Quốc với giá cạnh tranh hơn.
Bình luận thêm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nói “Hãy nghĩ rằng chúng ta có lợi trong chiến lược và địa chính trị. Chúng ta không nên quá thổi phồng tác động của chiến tranh thương mại gây hoang tâm lý cho các nhà đầu tư”.
Lợi ở đây, theo ông Cung phân tích có thể là việc Mỹ có thêm nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng nông sản bị Trung Quốc áp thuế như thịt bò, đậu tương…
“Với chúng ta, ở mức độ nào đó sẽ giảm được thâm hụt của Việt Nam với Hoa Kỳ”, ông Cung cho biết.
Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM cũng lưu ý về vấn đề tạm nhập tái xuất, tránh “đắc tội” với Trung Quốc, khiến nước này dựng hàng rào với nông sản Việt, khiến Việt Nam bị vạ lây. Ngược lại, các nhà quản lý, giám sát hải quan cần chú ý đến việc hàng hoá, đơn cử là thép Trung Quốc, mạo danh thép Việt gây căng thẳng với phía Mỹ.
Ở mức độ nào đó, ông Cung nhận định không có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng ở Việt Nam do Việt Nam không phải là nước cung ứng cho Trung Quốc các nguyên, nhiên liệu đầu vào để sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ.
Như vậy, quan sát về mặt kinh tế sản xuất, tác động là không nhiều, theo ông Cung.
Ngoài ra, ông Cung phân tích rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là cuộc chiến thương mại đơn thuần. Sâu xa hơn, đó là cuộc tranh cạnh tranh chiến lược chính trị. Do vậy, thời gian, quy mô của cuộc chiến sẽ khó có thể nói trước được.
Theo Trí thức trẻ