Chính quyền thành phố sẽ thương thảo, tìm giải pháp khả thi để lấy lại SVĐ Chi Lăng nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng.
Tại đây, qua quan sát thấy nhiều kim tiêm ma túy sử dụng xong vứt vương vãi ở góc cầu thang tầng 2; trong phòng bỏ hoang tầng 3 của khán đài A, nhiều kim tiêm còn vấy máu khô. Một số khu vực khán đài đổ nát, nhiều cụm cây bụi, cây đa trùm kín cả một góc.
Được biết, sự hoang tàn của SVĐ Chi Lăng bắt đầu từ ngày 3/8/2014 khi nơi đây diễn ra trận thi đấu cuối cùng của Đội bóng đá CLB SHB Đà Nẵng. SVĐ Chi Lăng được Ban quản lý dự án Khu phức hợp đô thị thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) quản lý.
Tình trạng cơ sở vật chất ở SVĐ Chi Lăng không có chủ sở hữu suốt nhiều năm qua rõ ràng như hiện nay dẫn đến kho bãi, kho chứa hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an ninh trật tự, hình thành tụ điểm về tệ nạn xã hội giữa lòng thành phố.
Được biết, với 4 mặt tiền Hùng Vương – Ngô Gia Tự – Lê Duẩn – Chi Lăng giữa trung tâm TP Đà Nẵng, khu đất sân vận động Chi Lăng có tổng diện tích 55.061m2.
Ngoài SVĐ, toàn bộ cơ sở vật chất phía nam SVĐ vốn là địa điểm của Sở Thể dục – Thể thao trước đây, được bàn giao về Tập đoàn Thiên Thanh.
Tại kỳ họp HĐND thành phố ngày 12/7/2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, chính quyền thành phố sẽ thương thảo, tìm giải pháp khả thi để lấy lại SVĐ Chi Lăng nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng.
Theo tìm hiểu, Dự án Khu đô thị phức hợp thương mại-dịch vụ Thiên Thanh – Đà Nẵng (gọi tắt là dự án SVĐ Chi Lăng) do Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm, tập đoàn này không triển khai dự án mà đem nhiều bất động sản (BĐS) tại dự án đi thế chấp và đến nay các cá nhân, tập thể liên quan vi phạm pháp luật đang bị xử lý.
Theo đó, con số thi hành án trên 3.646 tỷ đồng từ Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh ở Đà Nẵng không chỉ dựa trên kết quả thi hành án từ các BĐS thuộc dự án SVĐ Chi Lăng, mà còn có các BĐS khác như khu đất dự án số 209 đường Trường Chinh…
Kết quả thực hiện thi hành án đối với dự án SVĐ Chi Lăng của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có tính quyết định về phương án thương thảo “thu hồi” lại SVĐ Chi Lăng.
Trong khi đó, mặt sân ngoài sân bãi làm nơi tập kết, đậu, đỗ các phương tiện ô-tô khách, ô-tô tải. Các phòng chuyên môn phục vụ cho các hoạt động thể dục – thể thao, gầm khán đài… được cho thuê làm kho bãi chứa đủ loại các hàng hóa.
Trải dài mặt tiền SVĐ người dân vẫn chưng dụng để kinh doanh các mặt hàng ăn uống vỉa hè.
Lên tầng 2 khu khán đài A, nhiều phòng chức năng được làm kho chứa nệm mút. Hệ thống điện câu, móc tạm bợ rất dễ gây cháy nổ.
Nhiều ngôi nhà đã và đang “mọc” lên trong khuôn viên sân vận động Chi Lăng.
Hiện trạng dự án đang xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian.
Bãi giữ xe lộ thiên bên trong SVĐ, nằm ngay cạnh lối r vào trụ sợ tập đoàn Thiên Thanh.
Hiện dự án SVĐ Chi Lăng phân ra 14 lô đất, nhưng chỉ có 11 lô đất là tài sản thi hành án do Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ủy thác và có nhiều ngân hàng thụ hưởng kết quả thi hành án. Mặt khác, khu vực dự án cũng có nhiều BĐS chưa được đền bù giải tỏa hoặc đã giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư, nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
Hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát toàn diện dự án SVĐ Chi Lăng, trọng tâm là xác định các chủ thể có quyền sử dụng đất, đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, tình hình sử dụng đất hiện trạng.
Đây là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng các giải pháp thương thảo thu hồi dự án SVĐ Chi Lăng. Theo Cục Thi hành án dân sự thành phố, các sở, ngành liên quan của thành phố đang có sự phối hợp tốt để sớm có cơ sở pháp lý thực hiện thi hành án.
Theo Nhịp sống kinh tế