Đã qua thời của những “cơn sốt”
Nếu như cùng thời điểm này của năm 2016, tại các văn phòng công chứng, văn phòng một cửa của các huyện, thị xã Long Khánh, Biên Hòa, số lượng người đến làm thủ tục sang nhượng đất đai luôn tấp nập thì năm nay đã giảm hẳn.
Tình trạng sốt đất khiến có thời điển, tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm ngưng việc phân lô tách thửa để ổn định tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp buôn bán tràn lan.
Điển hình tại xã Bình Hòa, xã Tân Bình huyện Vĩnh Cửu, hàng chục hecta đất lúa bị san lấp, cắm mốc, phân lô rao bán với giá từ 350-750 triệu đồng/100m2, giao dịch mua bán chỉ thực hiện bằng giấy tay. Còn tại huyện Trảng Bom, nhiều trường hợp còn lấy cả đồi, lấy đất dưới hành lang dưới điện để phân lô rao bán.
Tình trạng phân lô bán nền ở Đồng Nai vẫn còn nhưng không nhộn nhịp như năm 2017. |
Tương tự, các phường như Trảng Dài, Long Bình, Tân Hiệp, Tân Phong của Biên Hòa còn là điểm nóng về phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch.
Còn hiện tại, tình trạng mua đi, bán lại nhà đất hiện vẫn phổ biến nhưng không còn gây ra những cơn sốt như trước. Giá nhà đất không còn tăng giá từng ngày và người mua đầu tư cũng bắt đầu chững lại, cân nhắc kỹ vì bán lại không dễ như trước.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, đất nông nghiệp ở 2 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu đã hạ nhiệt, và giá ở những nơi giáp Biên Hòa mới còn neo ở mức 3-6 tỷ đồng/ha. Ở huyện Cẩm Mỹ, những khu vực gần huyện Long Thành giá tụt xuống 1,5-2 tỷ đồng/ha. Còn ở các xã Xuân Đông, Xuân Tây, Bảo Bình của huyện Cẩm Mỹ giá đất nông nghiệp 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.
Điển hình nhất là đất rẫy tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ có giá 400 triệu đồng/ha ở năm 2016. Đầu năm 2018 được đẩy lên tới 750-800 triệu đồng/ha. Còn hiện tại, nhiều hộ dân rao bán với giá 600-700 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, tại các phường Hóa An, Bửu Hòa, Long Bình Tân, Phước Tân, Tân Phong của Biên Hòa và dự án Khu dân cư Phú Hội, Hiệp Phước, Phước An, Phú Hữu của huyện Nhơn Trạch, dự án Khu dân cư xã Long An, Phước Thái của huyện Long Thành… tình trạng mua đi bán lại cũng không còn nhộn nhịp và giá rao bán cũng đã giảm khoảng 10-15% so với đầu năm 2018.
Tại các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom… tình hình chuyển nhượng đất đai, nhà ở cũng giảm hẳn. Các huyện này đang siết lại việc lén lút phân lô, bán nền đất nông nghiệp nên tình trạng này không còn nóng như dịp đầu năm.
Một số dự án khu dân cư ngay thị trấn Trảng Bom dịp đầu năm nay giá mua đi bán lại là 1-1,1 tỷ đồng/lô nhưng hiện tại đã tụt giá xướng dưới 1 tỷ đồng/lô, nhưng rất ít người mua. Các dự án khu dân cư thuộc Nhơn Trạch, Biên Hòa, Trảng Bom giá đã giảm từ 50-100 triệu đồng/lô.
Bà Trần Thị Cúc ở phường Bửu Hoà, Biên Hoà cho biết, năm 2016 bà đã bỏ tiền vào đầu tư bằng cách mua lại một vài lô trong các dự án khu dân cư, sau đó đợi có lời là bán lại. Nhưng từ tháng 5 đến nay, thấy bất động sản có vẻ hạ nhiệt bà đã nhanh tay bán hết sản phẩm để thu hồi vốn và tạm ngưng mua vào. Theo bà Hoài, thời điểm này nhà đất đã qua giai đoạn sốt giá, nhà đầu tư không cẩn thận thì có thể lỗ nặng.
Nhận định về đất nền đồng Nai, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, bất động sản tại Đồng Nai cùng các khu vực lân cận của TP.HCM như Bình Dương, Long An sau cơn sốt kéo dài gần 2 năm đã bắt đầu đi vào thoái trào.
“Giá nhà đất thời gian qua ở Đồng Nai tăng nóng do đầu cơ nên thời gian tới sẽ còn tiếp tục giảm dần. Các nhà đầu tư sẽ đồng loạt bán ra để tránh tình trạng giữ càng lâu giá càng giảm sâu”, ông Châu nói.
Cẩn trọng với cò đất
Theo ông Huỳnh Thế Lữ, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Long Thành, dù quy định về tách thửa đã có hiệu lực nhưng giao dịch sang nhượng đất đai ở huyện Long Thành đã hạ nhiệt, không còn sốt như 2017. Năm trước, trung bình mỗi tháng văn phòng nhận được khoảng 2.000 hồ sơ chuyển nhượng nhà đất. Còn hiện tại, bình quân mỗi tháng văn phòng nhận được 1.600 hồ sơ.
Đất nền Đồng Nai bắt đầu xì hơi, sẽ không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như thế này. |
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai khẳng định, trong tháng 6, chuyển nhượng đất đai ở một số địa phương trong tỉnh giảm rất mạnh. Cụ thể, Biên Hòa giảm gần 1.000 hồ sơ, huyện Xuân Lộc và Định Quán giảm gần 400 hồ sơ.
“Bất động sản đã qua cơn sốt nhưng giá còn cao là do cò đẩy giá. Người có nhu cầu mua nhà đất để ở, sản xuất kinh doanh thì đang đợi thị trường hạ nhiệt mới xuống tiền. Tại một số sàn giao dịch bất động sản của tỉnh, lượng người đến tìm hiểu về đất đai, nhà ở để mua không còn nhộn nhịp như trước”, ông Tuấn nói.
Nhiều chuyên gia dự báo, tình trạng sốt ảo giá nhà đất ở Đồng Nai sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi UBND tỉnh Đồng Nai vừa thành lập ba đoàn thanh tra để làm rõ sai phạm trong việc phân lô, tách thửa, xây dựng trái phép tại Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Dự kiến trong tháng 8 sẽ có kết quả thanh tra.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đang lưu ý những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, vùng triển khai các dự án lớn như huyện Long Thành, Nhơn Trạch, nhất là khu vực dự án sân bay Long Thành phải kiểm soát chặt chẽ giá đất.
Ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Long Thành cho rằng, thực trạng cơn sốt đất ăn theo dự án sân bay Long Thành đã khiến cho thị trường bất động sản ở các địa phương trong tỉnh Đồng Nai bị thổi giá đất là có.
Một số công ty bất động sản có trụ sở tại TP.HCM kết hợp với các chủ đất rồi vẽ nên các dự án đất nền để lừa bán khách hàng. Có công ty lén lút vào ngày thứ 7, chủ nhật khi cơ quan hành chính nghỉ làm là họ tranh thủ chở khách hàng đến chào bán.
“Riêng khu vực huyện Long Thành, người mua nên đến chính quyền để tham khảo thông tin để tránh sập bẫy của cò đất”, ông Phương khuyến cáo.