Cơ quan chức năng đã xác định được một số cá nhân có hành vi sửa chữa bài thi gốc trước khi scan ảnh gửi về Bộ Giáo dục
Chiều 26/7, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, sửa bài thi gốc của nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương này.
Luật sư Dương Hường, Công ty Luật TNHH Tài Trung. |
Cơ quan chức năng đã xác định được một số cá nhân có hành vi sửa chữa bài thi gốc trước khi scan ảnh gửi về Bộ Giáo dục. Hiện dư luận đang rất mong chờ cơ quan chức năng sớm hoàn tất thủ tục khởi tố bị can để đưa ra trước pháp luật.
Theo Luật sư Dương Hường, Công ty Luật TNHH Tài Trung có trụ sở tại Hà Nội: Thời gian vừa qua, cơ quan ngôn luận đã thông tin rất đầy đủ, kịp thời sự vụ này. Việc gian lận thi cử ở Sơn La được đánh giá là tinh vi và phức tạp. Hành vi này được thực hiện bởi nhiều người và có sự phối kết hợp, câu kết chặt chẽ, có tính toán kỹ lưỡng giữa các đối tượng. Theo quy định của Khoản 1, Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự), thì trường hợp “có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm” được gọi là “Đồng phạm”.
q Trao đổi về việc, các cơ quan điều tra sẽ điều tra theo hướng nào để làm rõ hành vi phạm tội nói trên, làm rõ vụ việc, làm rõ vai trò của từng người Luật sư Dương Hường cho biết: “ Hiện nay, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án để điều tra, xác định các đối tượng đóng vai trò tổ chức, thực hành, xúi giục, giúp sức trong vụ án.
Cơ quan an ninh điều tra – Công an tỉnh Sơn La – bằng nghiệp vụ của mình sẽ điều tra theo hướng để xác định các yếu tố cấu thành tội phạm: Xác định hành vi phạm tội cho xã hội mà các đối tượng đã thực hiện, cách thức thực hiện như thế nào, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác cần thiết. Hành vi này được thực hiện bởi các đối tượng nào? Có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; Mục đích, động cơ phạm tội; Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của các đối tượng, đặc điểm về nhân thân của các đối tượng; Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; Có hay không những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt của các đối tượng.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ điều tra vụ án theo nguyên tắc “Tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội” để làm rõ các nội dung nói trên.
Các biện pháp mà Cơ quan điều tra áp dụng có thể bao gồm các biện pháp như thu thập chứng cứ chứng minh (hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, đối chất,khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, thu giữ điện thoại, máy tính, tạm giữ đồ vật, tài liệu, khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định…), áp dụng các biện pháp ngăn chặn (như bắt các đối tượng có liên quan và tạm giam để điều tra).
Vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn gây dư luận xấu, giảm uy tín của tỉnh Sơn La nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và chất lượng thi THPT năm 2018 trên cả nước nói chung, theo quan điểm của Luật sư Dương Hường: Vụ án hiện nay đã được khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự (mức hình phạt cao nhất phạt tù từ 10 năm đến 15 năm), chưa có quyết định khởi tố bị can.
Khi xác định vị trí, vai trò, hành vi của các đối tượng liên quan đến vụ án có dấu hiệu của tội danh gì thì Cơ quan Điều tra sẽ khởi tố bị can về tội danh đó. Nếu các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thực hiện việc gian lận thi cử vì vấn đề tài chính thì có thể phạm vào tội “Tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự (mức hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) và/hoặc “Tội giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự (mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm).
Những người thực hiện hành vi gian lận điểm thi tại Sơn La phạm tội gì sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra của Cơ quan Điều tra, quá trình truy tố của Viện Kiểm Sát và quá trình xét xử của Tòa án. Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Luật sư Dương Hường cũng cho biết: Nếu xác định được đường dây chạy điểm, thì người mua điểm có thể bị khởi tố về “Tội đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự. Việc xử lý sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan Điều tra, truy tố của Viện Kiểm sát, xét xử của Tòa án. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất của đưa hối lộ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với hành vi hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.
“Người môi giới chạy điểm có thể bị khởi tố về “Tội môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365 Bộ luật hình sự. Việc xử lý phụ thuộc vào quá trình tố tụng như đã trao đổi ở trên. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất của tội môi giới hối lộ là bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm với trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên” Luật sư Dương Hường nói.
VOV