Bất chấp tỷ giá liên tục “sôi sùng sục”, thị trường vàng vẫn bình lặng như chẳng có chút gì liên quan.
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 (ngày 31/7), giá vàng miếng trong nước được các doanh nghiệp niêm yết mua vào phổ biến từ 36,71 – 36,76 triệu đồng/lượng còn bán ra quanh 36,86 – 36,9 triệu đồng/lượng.
So với phiên 30/7, giá vàng chỉ giảm 10 nghìn đồng/lượng. Còn so với cuối tháng 6, giá vàng tháng 7 mất tổng cộng…70 nghìn đồng mỗi lượng.
Biến động chậm lại của giá vàng trong nước tháng 7 và các tháng trước đó không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư và các nhà quan sát, khi thị trường giờ đây đã gần như “vô cảm” với các biến động của kể cả thị trường ngoại tệ lẫn thế giới.
Thậm chí thị trường vàng thế giới tháng qua có lúc xuống đáy 1 năm, khi lên đỉnh cao vài tháng, cũng không làm cho thị trường vàng trong nước xảy ra bất kỳ cơn sóng nào. Nhưng cũng chính bởi sự bình lặng ấy mà khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, chốt tháng 7 ở mức 2,6 triệu đồng/lượng (trước đó có phiên chênh lệch lên 2,8 triệu), trong khi cuối tháng 6 mới dừng ở 2,1 triệu đồng/lượng và cuối tháng 5 là chỉ hơn 1 triệu đồng/lượng.
Lẽ ra, khoảng cách chênh lệch ấy còn rộng hơn nữa nếu tỷ giá bình lặng. Nhưng giá USD trong tháng 7 ở thị trường trong nước đã tăng tới 2%, qua đó làm cho vàng thế giới trở nên đắt đỏ hơn khi quy đổi ra tiền VNĐ và góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch vàng trong nước – thế giới.
Trong khi đó thị trường thế giới, giá vàng phiên cuối cùng của tháng 7 sụt giảm nhẹ sau phiên giảm sâu liền trước, hướng đến mức giảm khoảng 20 USD trong cả tháng, tương đương khoảng 1,5% và hiện ở quanh 1.223 USD/ounce.
Vàng thế giới chịu áp lực chủ yếu từ đồng USD mạnh lên trong tháng 7 do động thái tăng lãi suất của Mỹ và khả năng lãi suất tăng tiếp trong thời gian tới. Những nỗi lo về lạm phát và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã không thể hỗ trợ nổi cho vàng tăng giá vì đồng USD đang thể hiện sức mạnh quá “đỉnh” trên thị trường tài chính tiền tệ.
Seven
Theo Trí thức trẻ