Dự án Thành phố Mới Bình Dương có quy mô hơn 1.000 ha, được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 4/2010. Thành phố này bao gồm các hạng mục chính như: trung tâm hành chính, khu đô thị, trường đại học, trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng… phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.
Tuy nhiên, gần 10 năm qua, những kỳ vọng về một đô thị mới sầm uất tại Bình Dương vẫn còn dang dở. Hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản, rất nhiều dự bất động sản mọc lên nhưng phần lớn đang bỏ trống vì không có người về ở.
Những dự án triệu đô như Sunflower, khu đô thị Uni – Town, khu đô thị Ecolakes Mỹ Phước… hoang vắng suốt nhiều năm qua khiến ai cũng phải luyến tiếc.
Theo các chuyên gia bất động sản, sự hoang vắng của thị trường bất động sản Bình Dương hiện nay là hệ quả của thời kỳ sốt nóng khi đô thị này mới được quy hoạch. Hơn nữa, giá bán bất động sản tại đây vẫn quá cao so với nhu cầu của người ở. Bài toán có nhà nhưng không có người về ở đang là điểm nghẽn của thị trường bất động sản Bình Dương.
Nhơn Trạch
Nằm ở phía Đông của tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch được ví như chiếc cầu nối giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1996, Nhơn Trạch được Chính phủ phê duyệt xây dựng là thành phố mới của Đồng Nai.
Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị sầm uất nhộn nhịp, góp phần tạo nên chuỗi đô thị phát triển năng động của vùng kinh tế phía Nam. Làn sóng đầu tư bất động sản đổ về đây ồ ạt.
Thế nhưng, Nhơn Trạch sau đó trở thành “mồ chôn” tham vọng của các nhà đầu tư. Thị trường nguội lạnh, nhà đầu tư tháo chạy bỏ lại dự án ngổn ngang, dang dở.
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Nhơn Trạch có dấu hiệu hồi sinh nhờ những thông tin tích cực từ hàng loạt dự án hạ tầng được đầu tư như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Giầu Dây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay quốc tế Long Thành. Đặc biệt, dự án xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với Nhơn Trạch trị giá 5.700 tỉ đồng sẽ là chìa khóa cho sự trở lại của đô thị này.
Theo khảo sát của CafeLand, một làn sóng đầu tư mới đang đổ về Nhơn Trạch, trong đó có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Trong năm 2017, Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) của một đại gia đến từ Trung Quốc đã mua lại dự án Đông Sài Gòn và đổi tên thành Swan Park. CFLD hiện cũng đang sở hữu dự án Swan Baycũng tại Nhơn Trạch. Tiền thân của dự án này chính là Đại Phước Lotus do VinaCapital quản lý và được CFLD mua lại.
Huyện Cần Giờ
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện đảo duy nhất của thành phố. Vùng đất này có thế mạnh giáp biển, là khu dự trữ sinh quyển thế giới nên từ lâu đã được quy hoạch phát thành khu đô thị du lịch biển.
Cần Giờ trở thành điểm đến của nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Đáng chú ý nhất là dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ có quy mô lên đến 2.870 ha. Hay dự án La Maison De Cần Giờ cũng là một dự án lớn đang được triển khai. Dự án này do Công ty Phước Lộc làm chủ đầu tư có quy mô lên đến 56 ha, bao gồm 246 căn nhà phố vườn và 388 biệt thự nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, những dự án này một số chưa triển khai, số khác đã xây dựng ít hạng mục cơ bản nhưng vẫn đang trong quá trình nằm chờ thời cơ.
Từ năm 2016, thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng cầu Bình Khánh để kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ đã khiến bất động sản Cần Giờ nóng ran. Giới đầu tư, ồ ạt đổ về đây săn tìm quỹ đất khiến giá đất của huyện đảo này tăng cao đột biến. Hiện nay, cơn sốt này đã hạ nhiệt tuy nhiên vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Giám đốc một công ty bất động sản cho biết, việc đi trước đón đầu là yếu tố quyết định đối với đầu tư bất động sản. Các khu vực như Bình Dương, Cần Giờ hay Nhơn Trạch vẫn là địa điểm đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư cá nhân cần nghiên cữu kỹ các thông tin về quy hoạch hạ tầng, dự án của khu vực đó chứ không nên theo tin đồn rồi lướt sóng. Đặc biệt, với những ai vay vốn ngân hàng thì càng rủi ro, vì đầu tư những khu vực này cần nguồn vốn dài hạn. |