VOV.VN – Việc TP HCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ được xem là “cú hích” cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện nay, tại TP HCM, đất nông nghiệp chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất, nhưng đóng góp của nông nghiệp vào GRDP của thành phố chỉ đạt 0,8%. Trong khi đó, đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.
Quỹ đất nông nghiệp được Thủ tướng đồng ý cho chuyển đổi mục đích nằm tại các Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, vốn là đất trồng lúa phục vụ an ninh lương thực quốc gia và đất trồng cây lâu năm, nhưng đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước.
Phần lớn quỹ đất nông nghiệp này đã nằm trong ranh giới các khu đô thị được xác định trong lần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025, được phê duyệt năm 2010, như đô thị cảng Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, Bình Quới – Thanh Đa… Chủ trương của lãnh đạo thành phố là thực hiện đấu giá với quỹ đất này. Theo ước tính, giá trị của quỹ đất nếu thực hiện đấu giá là 1,5 triệu tỷ đồng.
Với gần 7.000 ha đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi, huyện Bình Chánh là địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi nhiều nhất trên địa bàn TP HCM. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, huyện Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000 ha đất nông nghiệp, đến năm 2025 thì chỉ còn giữ lại 350 ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực.
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả người dân và chính quyền TPHCM. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, việc triển khai chủ trương này sẽ tạo điều kiện tốt cho huyện trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân, vì đây là nhu cầu rất lớn, việc cấp phép và quản lý xây dựng theo quy hoạch sẽ ổn định, xóa bỏ việc xây dựng không phép, sai phép. Như vậy, chính quyền cũng giảm bớt được áp lực quản lý xây mà người dân cũng được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: “Mặc dù huyện đã có những giải pháp nhưng việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Việc cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất cũng như tăng thu nhập cho người dân”.
Đối với 26.000 ha đất chuyển mục đích sử dụng, nếu đất nông nghiệp của người dân thuộc quy hoạch đất ở, thì người dân được chuyển mục đích để xây nhà. Với nhà đầu tư, nếu chuyển mục đích sử dụng khu đất đã chọn, phải được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và phải hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Với những dự án do Nhà nước thu hồi đất, sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng mới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong quy hoạch sử dụng đất của TP HCM, vẫn dành một diện tích nhất định cho đất lúa, chứ không phải chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang đất phi nông nghiệp.
Về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết: “TP HCM là một đô thị đặc biệt. Nông nghiệp đóng góp cho sự phát triển của thành phố không cao. Vì đây là đô thị nên việc điều chỉnh nguồn quỹ đất nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh theo hướng hàm lượng giá trị cao, thành phố sẽ tính toán để tránh lãng phí. Nếu có làm nông nghiệp thì thành phố chỉ làm nông nghiệp công nghệ cao”.
Theo các chuyên gia, người dân thành phố được hưởng lợi nhiều từ chủ trương này, bởi giá trị đất nông nghiệp thấp hơn nhiều so với đất công nghiệp và dịch vụ. Không chỉ người dân, trong bối cảnh TP HCM đang thiếu nguồn vốn để thực hiện 7 chương trình đột phá đến năm 2020, như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ… việc bán đấu giá 26.000 ha đất sẽ thu về khoản tiền lớn để thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch đặt ra.
Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND TP HCM khẳng định: “Quỹ đất phi nông nghiệp của thành phố hiện nay rất khan hiếm. Cần phải có quỹ đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án, công trình, công viên công nghệ cao, các khu để đồng bộ kết cấu hạ tầng… để nuôi dưỡng nguồn thu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đất để phát triển kinh doanh. Điều đó mang lại nguồn thu rất lớn cho TP HCM”.
Thời gian qua, trên địa bàn TP HCM tồn tại tình trạng sử dụng đất công sai mục đích, gây lãng phí, thậm chí là thất thoát ngân sách của Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất mục đích khác phải đảm minh bạch, công bằng, không để xảy ra tình trạng nhếch nhác làm xấu bộ mặt đô thị. Do đó, Thành phố cần rà soát tổng thể, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng sử dụng đất công không đúng mục đích, gây lãng phí, thất thoát, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, các dự án treo nhiều năm qua.
Duy Phương/VOV-TP HCM