Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy là doanh nghiệp nộp thuế cao thứ 81, ngay sau Habeco, Tập đoàn Hoa Sen và hơn rất nhiều các ngân hàng thương mại, các tập đoàn lớn trong khi đó, doanh nghiệp này đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp từ tháng 4/2017.
Tổng cục Thuế mới đây đã công bố bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017. Trong số doanh nghiệp top đầu đáng chú ý có Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (mã số thuế 0101987103), với vị trí 81 doanh nghiệp này nộp thuế cao hơn hàng loạt các ngân hàng thương mại và các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Cụ thể, xếp ngay trên Thiên Ngọc Minh Uy có thể kể đến như Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), CTCP Tập đoàn Hoa Sen. Trong khi đó, Thiên Ngọc Minh Uy đóng thuế nhiều hơn các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng: CTCP Tập đoàn KIDO, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiền Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam, CTCP FPT…
Theo báo cáo tài chính năm 2017, thuế thu nhập doanh nghiệp của Habeco khoảng 200 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp của Tập đoàn KIDO khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thiên Ngọc Minh Uy đã chính thức chấm dứt hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp từ tháng 4/2017 sau khi chủ động nộp hồ sơ xin chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp lên Bộ Công Thương.
Trước đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy và chỉ ra nhiều sai phạm, ban hành các quyết định xử phạt lên đến hàng tỷ đồng.
Theo đăng ký doanh nghiệp, sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn còn kinh doanh 20 ngành, nghề như: hoạt động dịch vụ hôn lễ; cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ tắm hơi; cho thuê xe có động cơ; bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng máy khác…
Trong đó, ngành nghề chính là Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình. Cụ thể: Mua bán dụng cụ thể thao, hàng gia dụng, hàng may mặc, mỹ phẩm (trừ mỹ phẩm có hại cho sức khỏe con người), nông lâm thuỷ hải sản, vật liệu xây dựng; – Mua bán văn phòng phẩm, hàng kim khí, điện máy, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng (nồi cơm điện, bếp điện từ, tủ khử trùng).
Sau khi Bộ Công Thương công bố kết quả xử lý đối với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy trên một số phương tiện truyền thông có thông tin về việc Công ty này trở thành một tập đoàn trong đó có Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm và Công ty này sẽ đảm nhiệm việc tiếp tục các hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã lên tiếng khẳng định do chưa hoàn thành việc bổ sung hồ sơ, thủ tục cho việc sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nên Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm chưa được phép tổ chức bán hàng đa cấp.
Bộ Công Thương ngay sau đó đã ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác theo dõi quá trình chấm dứt hoạt động đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Trong một báo cáo hoạt động bán hàng đa cấp năm 2016, năm Thiên Ngọc Minh Uy vẫn hoạt động bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương từng cho biết, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt khoảng 7.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngành chỉ đạt 177 tỷ, tương ứng 2.2% doanh thu. Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2016 ước đạt 881 tỷ đồng.
Thời điểm trước tháng 4/2017, những “ông lớn” hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp có thể kể đến như Thiên Ngọc Minh Uy, Amway, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (Oriflame), Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam.
Tính đến 26/4/2018, toàn bộ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp mà Thiên Ngọc Minh Uy đã ký với người tham gia bán hàng đa cấp đã chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn 17.138 người trong tổng số người tham gia tính đến thời điểm công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp là 26.700 người chưa nhận được đơn đề nghị thanh lý hợp đồng. Như vậy, số người chưa được thanh lý hợp đồng chiếm khoảng 2/3 tổng số người tham gia.
Theo Bảo Vy
BizLive