(ĐTTCO) – Như một công cụ hữu hiệu để phát triển du lịch, các sân bay đang trở thành đích nhắm tiềm năng các địa phương trong cả nước để mắt.
Một loạt dự án đầu tư nâng cấp sân bay trải dài từ Bắc chí Nam đã được đề xuất với tổng chi phí có thể lên đến hàng tỷ USD. Làn sóng này liệu sẽ tạo cú hích cho ngành du lịch phát triển hay dẫn đến nguy cơ bong bóng mới?
Đến Cam Ranh những ngày này nhiều người sẽ rất ấn tượng trước cấu trúc hiện đại theo hình tổ yến của nhà ga quốc tế. Toàn bộ tổ hợp có giá trị lên tới 4.000 tỷ đồng, được kỳ vọng là cú hích cho hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng nơi đây phát triển.
Hay như ở Vân Đồn, một trong 3 địa điểm dự kiến trở thành đặc khu kinh tế đặc biệt, cũng vừa khánh thành sân bay quốc tế Vân Đồn. Có tổng vốn đầu tư lên đến 7.200 tỷ đồng, dự án đặt mục tiêu sẽ mở ra một chương mới, đánh thức tiềm năng của huyện đảo tương tự như trường hợp của đảo ngọc Phú Quốc.
Đặc biệt, đầu tháng 8 này, tỉnh miền núi Lào Cai đã xin phép triển khai dự án sân bay Sapa theo tiêu chuẩn 4C, với tổng quy mô đầu tư lên đến 5.800 tỷ đồng. Lý giải đề xuất này, Lào Cai cho biết để đón đầu tốc độ tăng trưởng khả quan của lượng khách du lịch trong các năm tới.
Trước đó, hàng loạt tỉnh, thành cũng xin đầu tư các cảng hàng không. Đó là tỉnh Bình Thuận với dự án sân bay trị giá 5.600 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu với dự án sân bay Gò Găng và sân bay Lộc An để phục vụ Khu du lịch Hồ Tràm Strip. Danh sách các dự án lớn đang nằm trên bàn xem xét của Bộ Giao thông Vận tải còn có sân bay An Giang trị giá 3.400 tỷ đồng, sân bay Lai Châu 8.000 tỷ đồng, hay siêu sân bay quốc tế Long Thành trị giá hàng chục tỷ USD…
Hiện Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay đang khai khác. Con số này tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực. Như Malaysia có 28 triệu dân, diện tích lãnh thổ tương đương Việt Nam, nhưng có tới 37 sân bay đang hoạt động. Thái Lan 70 triệu dân cũng có tới 34 cảng hàng không.
Đặc biệt Hàn Quốc có số lượng sân bay tương đương với Việt Nam (20 sân bay), nhưng dân số chỉ bằng gần phân nửa (50 triệu dân) và diện tích chưa bằng 1/3 diện tích Việt Nam. Tất nhiên, các quốc gia này đầu tư nhiều cho sân bay một phần vì có tiềm lực tài chính lớn, GDP bình quân trên đầu người đều vượt trội, nhất là quy mô khách du lịch quốc tế cao gấp nhiều lần Việt Nam. Và theo xu thế phát triển của ngành trong dài hạn và triển vọng của nền kinh tế, việc xây dựng thêm các sân bay là yêu cầu khó tránh khỏi.
Quyết định 236/QĐ-TTg ban hành đầu năm nay, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030, đặt mục tiêu 10 năm tới thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển. Hình thành và phát triển 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm khu vực ASEAN.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 28 sân bay, gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế. Thế nhưng, với việc nhiều địa phương xin xây sân bay hiện nay, đến năm 2030 chắc chắn số sân bay sẽ vượt quy hoạch.
Vấn đề đặt ra là chúng ta đã sử dụng hiệu quả các sân bay hiện có chưa? Trong danh sách 22 sân bay đang khai thác, chỉ có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phú Bài, Cam Ranh, Vinh và Buôn Mê Thuột có hiệu suất sử dụng so với công suất thiết kế là đạt từ 80% trở lên, còn 14 cảng còn lại đều vận hành dưới công suất thiết kế khá xa. Riêng 14 tỉnh, thành miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, có đến 9 sân bay. Mật độ sân bay dày đặc nhưng hiệu quả khai thác rất thấp, dưới 20% công suất.
Có một thực tế, hiện chỉ có 2 sân bay là Nội Bài và Tân Sơn Nhất hoạt động có lãi, còn lại đều thua lỗ triền miên. Điển hình như sân bay Điện Biên, hàng năm địa phương phải bù lỗ cả chục tỷ đồng. Thậm chí, hãng hàng không Vietnam Airlines đang tính rút chuyến. Chuyện lạm phát, thua lỗ sân bay cũng như cảng biển chẳng khác nào căn bệnh trầm kha.
Đó là cách đây nhiều năm, các tỉnh, thành ùn ùn lập khu công nghiệp. Có tỉnh xây dựng cả chục khu công nghiệp nhưng chỉ lèo tèo vài doanh nghiệp hoạt động. Đất đai bị thu hồi ồ ạt, người dân thiếu đất sản xuất trong khi khu công nghiệp vắng tanh. Rồi đất nông nghiệp cũng biến thành dự án sân golf, đất ven biển biến thành khu du lịch… Căn nguyên xuất phát từ cuộc đua không lành mạnh giữa các địa phương, ai cũng muốn có cái riêng của mình, còn mục tiêu phát triển kinh tế chỉ là trên giấy.
Vai trò của các sân bay không chỉ đơn thuần là dự án giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, còn đảm nhận trách nhiệm quan trọng là nơi đầu tiên truyền tải hình ảnh của quốc gia, tiềm năng các địa phương đến du khách quốc tế. Vì thế, sở hữu sân bay xứng tầm, có quy mô lớn luôn là nỗi khát khao của bất kỳ tỉnh thành nào. Thế nhưng, xây sân bay tốn số vốn lớn mà hiệu quả thấp, thậm chí không hiệu quả, sẽ dẫn tới lãng phí tiền bạc, tài nguyên đất đai cùng nhiều hệ lụy khác. Trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn, dù là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hay tư nhân đều là nguồn lực xã hội.