Hộ dân thì lấn ra làm cái chòi, sau thành xóm nhà lá ven sông và rồi chính quyền lại phải bỏ tiền ra để mời, vận động các vị đã lấn chiếm này đi. Doanh nghiệp lớn thì “lén” đổ đất lấn ra sông.
Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM:
Theo tôi, tình trạng lấn chiếm mặt nước nói chung đang diễn ra ngày càng nhiều. Không chỉ ở TP.HCM mà nhiều địa phương khác cũng tương tự. Nó xuất phát từ một lý do đơn giản, đất liền thì phải trả giá cao để đền bù, sang nhượng, còn mặt nước thì gần như… mạnh ai nấy chiếm. Hễ cứ chiếm được thì sẽ là của mình!
Qua đó, chúng ta thấy do quản lý lỏng lẻo nên người ta cứ thế tự tiện làm. Hộ dân thì lấn ra làm cái chòi, sau thành xóm nhà lá ven sông và rồi chính quyền lại phải bỏ tiền ra để mời, vận động các vị đã lấn chiếm này đi. Doanh nghiệp lớn thì “lén” đổ đất lấn ra sông.
Nếu xem việc vứt một vật gì đó ra sông là xả rác và đều có thể bị phạt, vậy quăng cả đống đất ra sông trái phép thì sao? Có lẽ về bản chất, hai việc xả rác và lấp sông, không khác gì nhau, dù nó có được ngụy trang bằng mỹ từ “chỉnh trang đô thị”.
Về mặt khoa học, từ hành động nhỏ như bỏ một cục đất vào dòng sông hay chỉ lấy đi một xẻng cát, cho tới xây một cái cầu cũng đều gây tác động trái tự nhiên lên dòng sông. Những tác động này lúc đầu tuy nhỏ, có thể khó nhận thấy, nhưng trong một bối cảnh nhất định, lại là mầm mống gây ra đổ vỡ lớn sau này trong hệ thống sông.
Thế nhưng việc xây một cái cầu nào đó dễ được chấp nhận bởi nó phục vụ cho toàn bộ cộng đồng. Ngược lại, những công trình lấn sông, chòi ra sông vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm thì rõ ràng, những tác động gây ra cho con sông là không thể chấp nhận được.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề ở đây là việc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong lúc công cụ kỹ thuật luôn có đủ để đáp ứng nhiệm vụ, thì công cụ quản lý phải ưu tiên bảo vệ lợi ích chung.
Đây là vấn đề cần phải làm rõ ngay từ bây giờ. Cần phải định rõ phạm vi, lằn ranh đỏ không gian phát triển đô thị, nhất là khi mà thành phố đang nhận nhiệm vụ quy hoạch chuyển đổi khoảng 26.000ha đất nông nghiệp sang đất xây dựng, trong đó, có rất nhiều diện tích ven các mặt nước như sông hồ, kênh mương… để tránh những tiêu cực lâu dài sau này.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam:
Trả lại không gian cho sông để nó làm tốt chức năng tự nhiên
Tại diễn đàn Nước thế giới lần thứ 7 tổ chức tại thành phố Daegu (Hàn Quốc) năm 2015, bảy tổ chức quản lý nước của Pháp đã đưa ra thông điệp: “Hãy trả lại cho các dòng sông không gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên chúng”.
Theo các tổ chức này, chúng ta cần trả lại bản chất thiên nhiên cho các dòng sông để nó có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, nhờ đó sông mới có thể bảo vệ được chính chúng ta.
Họ đã đề xuất một kế hoạch cần phải thay đổi cách sử dụng đất để trả lại khu vực đất ngập nước dọc theo chiều dài các dòng sông. Vào năm 2050, phải có ít nhất 20% diện tích đất ngập nước dọc các con sông hoặc nối các vùng đất ướt với nhau để tạo thành những túi trữ nước.
Bất chấp giá đất đắt đỏ ở đô thị ven sông, việc đề ra giải pháp bảo vệ các dòng sông, lòng sông không những đã trả lại không gian cho nó mà còn để cho các dòng sông có một hành lang rộng lớn, tạo nên cảnh quan và chức năng thoát nước thuận lợi.
Tôi vẫn nặng mục tiêu bảo vệ tài nguyên, chống lấn chiếm. Tại Việt Nam, hiện các công trình, dự án ven sông, lấn sông đang được khai thác theo cách có lợi cho một nhóm nhỏ và bắt một nhóm lớn phải hy sinh. Đó không phải là một lựa chọn tốt.
Q.N (ghi)