Khoảng trống giữa các tòa nhà giống như một hệ thống ống khổng lồ thổi lửa và khí độc với vận tốc cuồng phong.
Ngày 11/8, người dân khá bất ngờ khi tòa nhà Landmark 81 tầng (thuộc dự án Vinhomes Tân Cảng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bốc khói nghi ngút ở tầng 64. Nhiều người có mặt vào thời điểm xảy ra vụ việc đã nháo nhào chạy ra ngoài. Ban quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam cho biết, do công trình đang trong tình trạng thi công nên xỉ hàn bắn vào xốp gây ra cháy nhỏ, dập được ngay, nhưng vì chất liệu xốp đặc biệt gây khói khá lớn!
Thông thường, vận tốc gió quanh các tòa nhà luôn cao, tăng 120-160%. Khi các khe giữa các block nhà nhỏ hơn bề rộng tòa nhà và bằng 1/10 chiều cao tòa nhà, thì vận tốc gió tại các khe này tăng không dưới 200%. Sự cố này khiến người ta nhớ đến ý kiến của giới kiến trúc sư vào năm ngoái khi Vinhomes Tân Cảng gần đi vào hoàn thiện. Theo đó, các khối cao ốc trong cụm dự án này rất gần nhau, nên khả năng tạo thành các “hành lang lửa” cực kỳ lý tưởng khi xảy ra cháy nổ.
Chưa kể, khi cháy, nhiệt độ thay đổi rất nhanh, cộng với điều kiện thoáng đãng của mặt sông Sài Gòn, tốc độ gió ở các hành lang này tăng không dưới 400%. Khoảng trống giữa các tòa nhà giống như một hệ thống ống khổng lồ thổi lửa và khí độc với vận tốc cuồng phong.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ về các ý kiến nêu trên, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, với cách xây dựng dày đặc như vậy, nguy cơ thiệt hại nếu xảy ra cháy sẽ rất cao và có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
“Do đó, thiết kế và quy chế quản lý phòng cháy chữa cháy, cũng như trách nhiệm của ban quản lý khu dân cư này cần phải được quy định nghiêm ngặt, rõ ràng. Không những cần phải kiểm tra thường xuyên, chuẩn bị tốt các giải pháp khi có sự cố, để đảm bảo an toàn sinh mạng, tài sản và mạng sống cho người dân, mà còn phải yêu cầu họ phải mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy bắt buộc cho toàn khu vực”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Khương Văn Mười – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM – mật độ và hệ số xây dựng đều đã có quy định.
“Trên nguyên tắc, nếu làm đúng quy định thì không có vấn đề gì. Khoảng cách giữa các công trình cao tầng được Bộ Xây dựng quy định chung cả nước. Nếu hai công trình độc lập thì khoảng cách là 25m, nếu có chung đế dính nhau thì 15m”, ông Mười cho biết.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam:
Báo cáo tác động môi trường lại… hủy hoại môi trường!
TP.HCM được hình thành trên nền của một vùng đất ngập nước, có đầy đủ rừng ngập mặn, bãi bồi… Thành phố lọt thỏm giữa 4 con sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tạo nên một “cái áo” bảo vệ cho toàn bộ sinh quyển của đô thị này qua bao thế hệ.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long |
Kiến trúc sư có thể vẽ nên những công trình tráng lệ nhưng không thể hiểu được tầng sâu dưới chân đế, phía trên cao của các vùng đất. Việc lấn chiếm bờ sông đương nhiên tác động đến hệ sinh thái đặc trưng của sông ngòi. Hơn thế nữa, nó còn phá hủy, triệt tiêu hệ tự điều chỉnh tự nhiên (tự bảo vệ, tự phục hồi) ven các con sông.
Giống như một cơ thể thống nhất, nước dưới sông và đất trên bờ luôn có sự trao đổi chất với nhau. Hệ sinh thái bờ sông (hay còn gọi là hệ bờ) còn chất chứa những sinh vật có lợi chẳng hạn như các loài thân mềm hai mảnh vỏ. Với khả năng ăn các chất dơ bẩn, hàng triệu sinh vật này đã tạo ra “nhà máy” điều hòa, lọc nước tự nhiên khổng lồ cho dòng sông. Việc lấn chiếm sông, xây cất ven bờ sông, như tôi nói, đã phá vỡ những quy trình tự nhiên ấy.
Chưa kể vấn đề kiểm soát nước thải từ các công trình ven sông tạo ra. Tại một số khu vực bờ sông Sài Gòn ở trung tâm đang bị bê tông hóa, bờ tự nhiên còn bị thay thế bằng những thảm cỏ do con người tạo ra – đơn cử như công viên Central Park ở Tân Cảng – khiến dòng sông còn phải lãnh thêm nguy cơ ô nhiễm do nước tưới, thuốc và phân hóa học, những điều hiện không thể kiểm soát được.
Tất cả những vấn đề này lại thường bị người ta nại rằng, đã có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án. Tuy nhiên, với kinh nghiệm ngồi hội đồng khoa học của mình, tôi xin nói thẳng rằng, độ chính xác và trung thực của các báo cáo tác động môi trường hiện nay rất thấp. Đó chỉ là sự sao chép vụng về, cẩu thả từ những công trình khác mà không có sự đầu tư xứng đáng cho phương án bảo vệ môi trường. Hầu hết đều chỉ mang tính hình thức.
Sai lầm nhất là báo cáo tác động môi trường của các dự án lại do chủ đầu tư bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Rốt cuộc, hầu hết chỉ nhận được những sản phẩm đánh giá tác động môi trường đã “bôi trơn”. Hậu quả, báo cáo tác động môi trường lại “chung sức” hủy hoại môi trường.
Giáo sư – tiến sĩ Lương Phương Hậu – nguyên Phó chủ tịch Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việt Nam:
Bê tông hóa gây gia tăng ngập lụt Việc xây dựng các công trình có hại cho đời sống của các con sông không chỉ hạn chế ở dải đất ven sông. Ở các thành phố lớn hiện nay, ngoài các công trình kiến trúc và một phần đất xanh, mặt đất còn lại hầu như đều được phủ trải bê tông hoặc nhựa đường. Loại mặt đất này so với mặt đất tự nhiên có tính thấm nước rất kém. Khi trời mưa, mặt đất cứng hóa không thể hút nước. Do vậy, nước mưa buộc phải nhanh chóng chảy về các hệ thống thoát nước để rồi xả hết vào sông. Và loại dòng chảy do mặt đất đã cứng hóa của thành phố tạo ra đã xúc tiến sự hình thành dòng lũ, uy hiếp cho các vùng đất thấp. Sau khi đô thị hóa, sự tăng lên của diện tích mặt đất không thấm nước, rừng cây mất, ruộng cũng không còn, vùng trũng được đắp cao… nước mưa chỉ còn biết chảy trên bề mặt để rồi dẫn đến ngập lụt. Hiện tượng ngập úng ngày một gia tăng ở TP.HCM là một minh chứng. |
Q.N (ghi)