Ngày 20-3, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp Sở Công thương TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Phát triển ngành dịch vụ logistics tại TPHCM” với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp (DN) liên quan đến lĩnh vực này.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 ngành dịch vụ logistics của Việt Nam xếp hạng thứ 64/160 quốc gia, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia). Mặc dù vậy, chi phí logistics ở nước ta còn ở mức cao, trong đó tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP (trong khi các nước phát triển chỉ từ 9% đến 14%), nhưng đóng góp từ ngành dịch vụ logistics vào GDP chỉ khoảng 2%-3%. Theo tính toán, mức chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, hơn Malaysia 12% và cao hơn tới 3 lần so với Singapore . Chi phí logistics quá cao đã gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hàng hóa Việt Nam nói riêng trên thị trường quốc tế.
Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển nhưng đến nay, ngành logistics Việt Nam vẫn yếu thế hơn so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa như: dịch vụ vận tải nội địa, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, bốc dỡ hàng hóa… và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế thông qua làm đại lý cho các DN nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại (làm dịch vụ thứ cấp).
Nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém nêu trên, Sở Công thương TPHCM đã lập đề án phát triển ngành logistics thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu làm sao kéo giảm chi phí thấp nhất có thể. Nghĩa là hình thành các “trung tâm logistics” nằm ở trung tâm có thị trường tiêu thụ lớn, vùng sản xuất tập trung, gần hoặc có thể kết nối với cảng; tích hợp đầy đủ khép kín các dịch vụ; hoạt động như một cảng, bãi container, kho ngoại quan…
Theo: Quốc Hùng/ SGGP