Sáu tháng, giải ngân 32,5%
Theo Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, ước tính 6 tháng đầu năm 2018 mới giải ngân được khoảng 130.013 tỉ đồng, đạt 32,5% kế hoạch vốn Quốc hội giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 25,59%) và đạt 33,85% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 là 29,6%). Riêng vốn trong nước giải ngân đạt 119.527 tỉ đồng tương đương 35% kế hoạch vốn Quốc hội giao (cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017 tỷ lệ giải ngân là 25%).
Có 8 bộ, ngành Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 50% kế hoạch. Đặc biệt, có 1 đơn vị và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% kế hoạch, gồm Ngân hàng Chính sách xã hội (79,55%), tỉnh Quảng Ninh (82,79%), tỉnh Hải Dương (69,77%) và tỉnh Nam Định (68,96%).
Kết quả này cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2018 tuy đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tỷ lệ giải ngân cả nước còn khá xa so với kế hoạch được giao.
Theo số liệu báo cáo giải ngân của Kho bạc Nhà nước, vẫn còn 35/56 bộ, ngành Trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn 25%, trong đó có 15 bộ, ngành Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Một số bộ, ngành Trung ương chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Cần phân cấp, phân quyền
Lâu nay, nhiều chuyên gia đã góp ý về vướng mắc trong phương án giải ngân vốn đầu tư công. Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật (16/8) của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu quyết liệt với các cơ quan bộ ngành để làm rõ trách nhiệm, tránh để chồng chéo quản lý gây khó khăn trong việc giải ngân vốn tại các địa phương.
Theo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), Luật Đầu tư công là luật đầu tiên kể từ trước đến nay quy định những vấn đề liên quan đến quản lý các hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Sau hơn 3 năm thực hiện, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.
Đó là khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; một số quy định trong Luật còn cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch…
Việc hình thành nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới các cơ quan, địa phương khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của luật.
Trước thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu “không để vướng mắc nhiều hơn, tập trung vào quản lý vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư, phân cấp giao quyền mạnh mẽ”.
Về khái niệm các nguồn vốn đầu tư công thì cần quy định rõ hơn, bảo đảm đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và có quy định phân cấp quản lý phù hợp với tính chất từng nguồn vốn, đồng bộ với nhiệm vụ chi.
Về tiêu chí phân loại dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần báo cáo rõ căn cứ, lý lẽ về sửa đổi tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, đồng thời báo cáo, giải trình về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chí đối với dự án nhóm A, B, C phù hợp với điều chỉnh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Về dự án có cấu phần xây dựng, cần rà soát lại, bảo đảm đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn; làm rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thẩm tra, thẩm định, quyết định, tránh chồng chéo với tinh thần là không để một việc mà phải báo cáo cả 2 bộ hoặc nhiều bộ.
Về vấn đề thẩm quyền của Thường trực HĐND, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, minh bạch và chịu trách nhiệm, không ôm đồm, tạo thuận lợi cho địa phương, cho cơ sở.
Thủ tướng cũng nêu rõ nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công phải sát với khả năng ngân sách, để tránh dàn trải, mất cân đối về đầu tư.
Theo Bộ KH&ĐT, trong các nhóm vấn đề trên, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là một trong những lý do dẫn đến tốc độ “rùa” của giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.