Đàm phán Mỹ – Trung đã kết thúc mà không có thêm tiến bộ nào đáng kể, chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Xung quanh câu chuyện ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đến Việt Nam, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) đã có cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ.
Ngày 22-23/8/2018, vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ ba đã diễn ra tại Washington (Mỹ). Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa quan chức thương mại hai nước, kể từ sau thất bại của vòng đàm phán Bắc Kinh hồi tháng 6.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Mỹ đơn phương áp đặt mức thuế suất cao hơn đối với một số mặt hàng từ Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc cũng áp thuế lên một số loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, vòng đàm phán mới đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào.
Tỷ lệ tiết kiệm ròng quốc gia của Mỹ chỉ quanh mức 2% và nước này đã phải nhập khẩu thặng dư tiết kiệm từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu đầu tư, tăng trưởng kinh tế. Hệ quả của việc này là thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt thương mại. Tại sao Tổng thống Mỹ thực thi chính sách nhắm đến các nước khác, đối với một vấn đề xuất phát từ nội tại của nước Mỹ?
Vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ hiện nay, theo nhiều học giả, không hẳn là do hội nhập kinh tế quốc tế. Việc này xảy ra do cơ cấu của kinh tế Mỹ, chính sách kinh tế vĩ mô đẩy tiêu dùng lên cao. Đồng thời, các luồng tiết kiệm quốc tế dồn vào nước Mỹ, làm cho lãi suất giảm xuống thấp. Lãi suất thấp thì không khuyến khích tiết kiệm. Lãi suất thấp thì lại khuyến khích đầu tư, tiêu dùng, làm cho thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng.
Về lý thuyết là như vậy, nhưng ông Trump dựa trên thực tiễn: càng hội nhập thì kinh tế Mỹ càng thâm hụt; càng thâm hụt ngành chế tạo càng thua thiệt và công ăn việc làm bị mất đi. Chính vì vậy, ông Trump đã đưa ra chính sách thương mại “chống lại” quá trình toàn cầu hóa, giảm thâm hụt để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, làm sao cho các ngành công nghiệp của Mỹ được bảo hộ hơn, phát triển mạnh hơn.
Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, tranh cãi cũng rất nhiều. Nhưng người ta cần dựa trên một cái gì đó có lợi về mặt chính trị. Luận điểm của ông Trump là như vậy, và nhà chính trị bao giờ cũng đứng trên quan điểm ủng hộ ông ta.
Nhưng vì sao Trung Quốc lại là nước được Tổng thống Mỹ nhắc đến nhiều nhất?
Trung Quốc là nước đã và đang phát triển mạnh ngành công nghiệp chế tạo trong thời gian gần đây, cạnh tranh rất lớn với hàng hóa Mỹ. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sự phát triển của những ngành công nghiệp mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao. Điều này đe dọa đến Mỹ.
Chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc khác với chính sách thương mại của Mỹ với các quốc gia khác. Đối với các nước khác, ông Trump coi nhiệm vụ căn bản là cân bằng thương mại và củng cố các ngành công nghiệp chế tạo. Với Trung Quốc, đó không chỉ là một cuộc cạnh tranh về kinh tế.
Mỹ thấy Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu về công nghiệp chế tạo, có ý vượt qua Mỹ. Chuyện đó trở thành một áp lực rất lớn với những người làm chính sách của Mỹ, làm sao để duy trì vị thế hàng đầu của Mỹ về kinh tế.
Điều lo ngại tiếp theo chính là việc Trung Quốc sử dụng công nghệ Mỹ không chỉ nhằm phục vụ cho các ngành kinh tế, mà còn cho ngành quốc phòng của Trung Quốc. Sản phẩm quân sự của Trung Quốc trong giai đoạn gần đây phát triển rất nhanh và có những vũ khí tiên tiến dựa trên công nghệ nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Cho nên, Mỹ đã thực hiện chính sách thương mại rất mạnh mẽ với Trung Quốc nhằm cả mục tiêu kinh tế và mục tiêu cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia.
Việc áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc khiến người Mỹ phải chi nhiều tiền hơn để mua số hàng hóa tương tự trước đây. Đồng thời, chi phí nguyên liệu đầu vào của các công ty Mỹ cũng tăng. Cảm nhận của người Mỹ về quyết định áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc là trực tiếp và rõ ràng hơn những tuyên bố của Tổng thống Mỹ?
Bao giờ cũng thế, áp thuế cao là con dao hai lưỡi. Nó làm tăng chi phí cho hàng hóa đầu vào. Người tiêu cũng dùng phải chịu một phần “thiệt thòi” so với việc tiêu dùng hàng hóa rẻ như trước đây. Nhưng đây là lựa chọn chính trị phức tạp của một quốc gia.
Nếu việc áp thuế cao khiến cho nhiều người tiêu dùng và nhà sản xuất bị thiệt thòi, họ sẽ gây áp lực trở lại bằng việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ (tháng 11/2018), hoặc cuộc bầu cử Tổng thống ở nhiệm kỳ tới. Đó là phép thử đối với chính sách của ông Trump.
Bộ máy của ông Trump phải tính toán giải pháp phù hợp cho các chính sách ngắn hạn và dài hạn. Có thể sau cuộc bầu cử, chính sách sẽ được điều chỉnh theo hướng mềm mại hơn. Nhưng rõ ràng, nếu như hiện nay, người tiêu dùng và cả người sản xuất sẽ gặp thiệt hại trong việc áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, không thể nói rằng việc áp thuế tác động đến kinh tế và dẫn tới những vấn đề phức tạp hơn. Bởi vì kinh tế Mỹ phát triển dựa vào nhiều nhân tố khác nhau, độ mở của kinh tế Mỹ chỉ dưới 30%, không như các nước khác.
Cho nên, việc áp thuế chắc chắn sẽ có tác động ngược lại đối với kinh tế Mỹ, nhưng tác động mạnh mẽ làm cho kinh tế Mỹ gặp khó khăn thì chưa có, dựa trên những phân tích hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có những bước phát triển tương đối ổn định. Mặc dù vậy, cũng chưa thể nói được điều gì trong dài hạn.
Khi chi phí nguyên liệu đầu vào của các công ty Mỹ tăng cao, hàng hóa Mỹ có thể mất tính cạnh tranh, tác động đến tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp. Phải chăng khẩu hiệu “mang việc làm trở lại nước Mỹ” sẽ không đạt được khi phát động chiến tranh thương mại?
Ngành nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc sẽ bị tăng chi phí. Một số khác cũng chịu ảnh hưởng từ chính sách. Nhưng câu chuyện ở đây rộng lớn hơn một ngành đó.
Về mặt trực diện thì có thể thấy những biện pháp đó đang có xu hướng bảo vệ các ngành công nghệ cao. Nếu như các biện pháp này không được thực hiện ngay thì việc mất bản quyền, hoặc bị đánh cắp như thời gian qua có thể dẫn tới việc một số ngành công nghệ cao của Mỹ đứng trước nguy cơ bị các ngành tương tự của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp.
Khả năng đó cũng rất cao vì sự phát triển của ngành công nghệ cao Trung Quốc rất mạnh. Đây là biện pháp bảo hộ các ngành, hay có thể gọi đây là chính sách “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”- được tư duy theo logic của ông Trump: Những ngành quan trọng phải được bảo vệ một cách mạnh mẽ, giúp duy trì sức cạnh tranh, là mũi nhọn trong chính sách đối ngoại về kinh tế.
Như vậy khẩu hiệu tranh cử “mang việc làm trở lại nước Mỹ” hướng đến ngành công nghệ cao, không phải ngành truyền thống?
hắc chắn là như thế. Đối với những nền kinh tế phát triển cao thì tỷ trọng đóng góp của những ngành truyền thống sẽ giảm dần. Đặc biệt là nước Mỹ cũng không thể dựa vào chi phí lao động rẻ được.
Cho nên, nước Mỹ sẽ tập trung vào ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Đấy là sức mạnh, thế mạnh của nước Mỹ. Sự vĩ đại của Mỹ chính là ở điều này. Nước Mỹ không bảo vệ được sức mạnh về công nghệ thì “nước Mỹ vĩ đại” sẽ không thể nào vĩ đại được. Vì vậy, ông Trump đưa ra chính sách với trọng tâm như thế.
Nhôm, thép có thể chỉ là áp lực chính trị. Những ngành đó nước Mỹ cũng không thể cạnh tranh nổi với các nước khác. Ông Trump vẫn làm theo “kiểu chính trị” là tôi sẽ bảo vệ nước Mỹ, bảo vệ các ngành công nghiệp, tạo công ăn việc,… Nhưng thực hiện điều đó là rất khó. Nước Mỹ sẽ không thể cạnh tranh nổi với các nước khác trong những ngành sử dụng nhiều nhân công và tài nguyên.
Chuỗi hành động áp đặt mức thuế suất cao hiện nay có phải là cách đẩy vấn đề lên cao để tạo vị thế thuận lợi khi đàm phán các thỏa thuận song phương khác của Mỹ?
Khi ông Trump thể hiện một chính sách mạnh mẽ, hẳn nhiên các đối tác trong các cuộc đàm phán sẽ thấy nước Mỹ là “cường quốc rất mạnh”. Việc này cũng hỗ trợ cho các đàm phán của nước Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, tôi chưa thấy ông ấy đặt vấn đề nghiêm túc về việc đàm phán hiệp định song phương với bất kỳ nước nào tiếp theo cả.
Hiện nay, việc đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang gây ra một sức ép mạnh cho các nước đối tác trong cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương khác. Tất nhiên là như thế. Đây là một thủ thuật của Donald Trump.
Ông Trump bao giờ cũng gây sức ép tối đa lên các đối tác. Những đối tác không đủ bản lĩnh sẽ phải nhượng bộ. Đàm phán là một trò chơi rất phức tạp với nhiều công cụ khác nhau. Nhưng ông Trump luôn sử dụng cách gây áp lực tối đa lên các đối tác để đạt được hiệp định có lợi nhất cho nước Mỹ.
Trong bối cảnh hiện nay, ông nghĩ Việt Nam đang gặp phải những thách thức và cơ hội phát triển nào?
ối cảnh hiện nay có những thách thức rất lớn với Việt Nam. Những biện pháp thương mại của phía Mỹ có thể làm cho thương mại quốc tế bị xáo trộn rất nhiều. Thương mại của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam là 200% GDP. Nhiều tác động tiêu cực có thể xảy ra nếu Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, làm thay đổi luồng vốn đầu tư quốc tế. Biến đổi tỷ giá USD/CNY và VND/CNY, VND/USD sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu Việt Nam.
Mặc dù vậy, cũng có thể có một vài cơ hội đối với Việt Nam. Khi hàng hóa Trung Quốc gặp khó khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam “chen chân” vào. Cơ hội cũng có thể đến từ việc các nhà đầu tư dịch chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc sang những nơi khác, và Việt Nam là một địa điểm.
Có những dòng vốn như vậy, còn tác động tích cực như thế nào, mạnh mẽ ra sao là câu chuyện lâu dài. Việc này còn phụ thuộc vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Nếu không cải tiến, tăng tính minh bạch, làm các thủ tục nhanh gọn thì rất khó thu hút các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, Mỹ muốn tìm một đối tác để xây dựng quan hệ chặt chẽ ở khu vực. Việt Nam có thể là một đối tác mà phía Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam và một số nước có thể có các FTA song phương với Mỹ. Phía Mỹ vẫn đặt vấn đề đó, chỉ là họ chưa có điều kiện để đàm phán vì còn đang tập trung vào câu chuyện áp thuế.
Tương lai, khi vấn đề áp thuế thương mại đối với hàng hóa vào Mỹ ổn định, có thể họ sẽ thúc đẩy các đàm phán song phương và Việt Nam cũng là đối tác tiềm năng.
Việc thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực là một nội dung trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Mỹ cũng đang thúc đẩy chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Á, với tổng số vốn khoảng 60 tỷ USD. Việc hỗ trợ phát triển hạ tầng ở các nước trong khu vực cũng nhằm đối trọng lại chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Điều này thể hiện rất rõ trong bài phát biểu ngày 30/7 của ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ. Chương trình của Mỹ sẽ hỗ trợ, giúp phát triển cơ sở hạ tầng của các nước ở khu vực. Việt Nam có thể là một đối tác nằm trong danh sách đó và có thể hưởng lợi.
Ông có dự báo nào trong tương lai gần?
Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đang trong giai đoạn mới, cả trên phương diện kinh tế và chính trị. Do đó, từ những căng thẳng kinh tế có thể ảnh hưởng sang các vấn đề địa chính trị, đặc biệt là khu vực Biển Đông.
Theo những dấu hiệu gần đây, Trung Quốc đang có những hành động triển khai quân sự mạnh hơn rất nhiều. Phía Mỹ cũng đáp trả mạnh mẽ với việc đưa tàu thuyền và máy bay ngang qua khu vực. Căng thẳng My – Trung nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, dẫn tới nhiều kịch bản với các mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia khác trong khu vực. Phía Mỹ cũng có thể gây áp lực, kêu gọi các nước trong khu vực có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ gây áp lực trở lại các quốc gia trong khu vực. Những động thái trên của các nước lớn sẽ khiến việc xử lý vấn đề của Việt Nam trở nên phức tạp hơn.