Ở thời điểm người Trung Quốc đang muốn bành trướng sức ảnh hưởng và sự giàu có, Mỹ không phải nước duy nhất cố gắng bảo vệ các ngành của nước mình với lý do an ninh quốc gia.
Châu Âu đang muốn đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về đầu tư nước ngoài, với mục tiêu nhắm đến Trung Quốc, theo khẳng định của New York Times.
Cùng lúc đó, Australia cũng đang hạn chế nhà đầu tư Trung Quốc mua một số loại tài sản. Còn tại Canada, giới chức nước này soi chiếu vấn đề an ninh quốc gia vào mỗi thương vụ nhà đầu tư Trung Quốc muốn thâu tóm một nhà thầu lớn.
Ở thời điểm người Trung Quốc đang muốn bành trướng sức ảnh hưởng và sự giàu có, Mỹ không phải nước duy nhất cố gắng bảo vệ các ngành của nước mình với lý do an ninh quốc gia. Chính phủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước châu Âu, đang cố gắng hạn chế bớt đầu tư từ Trung Quốc để bảo vệ cho lợi thế cạnh tranh của họ.
Tại nhiều nước, giải được bài toán đầu tư Trung Quốc không hề dễ. Chính phủ nhiều nước phải cân nhắc giữa việc bảo vệ các ngành chiến lược cũng như ngăn chặn việc mất các công nghệ nhạy cảm, cùng lúc đó vẫn phải giữ được nhà đầu tư Trung Quốc và cải thiện quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
“Nhiều người có thể cảm nhận được rằng Trung Quốc đang trỗi dậy trên mọi mặt trận và câu hỏi là làm sao để sống chung với điều đó. Chính phủ phần lớn các quốc gia không biết phải phản ứng thế nào”, chuyên gia về Trung Quốc đồng thời là chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại trường Harvard Kennedy, ông Philippe Le Corre, nhận xét.
Chính phủ Mỹ dường như có quan điểm cứng rắn nhất đối với đầu tư từ Trung Quốc. Trong tuần vừa rồi, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định chặn Broadcom (có trụ sở tại Singapore) thâu tóm công ty chip Qualcomm của Mỹ bởi lo lắng nếu thương vụ thành công, phía đối thủ Trung Quốc sẽ có thêm lợi thế. Ủy ban xem xét thương vụ Qualcomm, được biết đến với cái tên Cfius, nhiều khả năng sẽ cứng rắn hơn với đầu tư từ Trung Quốc.
Ủy ban này có quyền hạn chặn các vụ đầu tư từ nước ngoài đối với các doanh nghiệp Mỹ dựa trên căn cứ về an ninh quốc gia. Đến nay ủy ban đã chặn rất nhiều thương vụ có yếu tố Trung Quốc. Giờ đây, nhiều nhà hoạch định chính sách đang kêu gọi để mở rộng phạm vi hoạt động của ủy ban.
Châu Âu có phần chậm hơn Mỹ trong hoạt động này. Trong năm ngoái chính phủ Pháp và Ý đồng loạt kêu gọi thiết lập một cơ chế chung toàn châu Âu để kiểm soát các vụ thâu tóm từ nước ngoài, từ đó đến nay người ta đã tranh cãi nhau nhiều về vấn đề bảo hộ.
Đề xuất mà phía Pháp và Ý nêu diễn ra trong bối cảnh nhiều ngày càng có nhiều lo ngại về việc châu Âu sẽ mất đi thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ cũng như lo ngại về khả năng công nghệ sẽ mất về tay người Trung Quốc.
Nhiều người đã lo lắng sau khi một công ty Trung Quốc đã mua lại công tu Kuka, công ty sản xuất robot lớn và hiện đại nhất của Đức năm 2016. Cùng lúc đó, xu thế đầu tư từ Trung Quốc ngày một tăng lên khi Trung Quốc đầu tư mạnh vào đường sắt, cầu cảng và nhiều công trình hạ tầng chiến lược khác khắp khu vực Nam Âu và Trung Âu.
Thế nhưng, châu Âu sẽ gặp khó khi muốn cản trở dòng tiền từ Trung Quốc bởi bản thân nội bộ nhiều nước châu Âu giờ đang chia rẽ về cách nên làm gì với nhà đầu tư Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel, mới đây tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4, đã cố gắng để làm ấm mối quan hệ với Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng cho các công ty như Volkswagen.
Châu Âu cũng rất chia rẽ về việc họ phải ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy như thế nào. Chính phủ nhiều nước Nam Âu và Trung Âu như Hy Lạp, Hungary từng hưởng lợi nhiều từ Trung Quốc trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây nay đang phản đối thắt chặt chính sách bởi lo ngại về khả năng mất tiền đầu tư từ Trung Quốc.
Vì thế, việc châu Âu có thể đưa ra chính sách thống nhất về vấn đề Trung Quốc sẽ còn phải chờ rất nhiều thời gian.