Đoạn 1, từ cầu Rạch Chiếc trên Vành đai phía Đông từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao thông Bình Thái, chiều dài 3,82km. Xây dựng mới 2 nhánh đường song song 2 bên tuyến chính theo quy hoạch, bề rộng mỗi nhánh đường là 10,5m, đáp ứng 3 làn xe lưu thông. Phần đất ở giữa để trống dành cho đầu tư tuyến chính trong giai đoạn 2. Mặt cắt ngang tổng thể tuyến theo quy hoạch rộng 67m.
Đoạn 2, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, chiều dài 1,99km thuộc đường Vành đai 2 Thành phố. Xây dựng mới 2 nhánh đường song song 2 bên tuyến chính theo quy hoạch, bề rộng mỗi nhánh đường 10,5m. Phần đất ở giữa để trống chờ đầu tư giai đoạn 2. Mặt cắt ngang tổng thể tuyến theo quy hoạch rộng 67m.
Đoạn 3, kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, chiều dài 2,75km. Phần đường xây dựng mới 2 nhánh đường song song 2 bến tuyến chính theo quy hoạch, bề rộng mỗi nhánh đường 10,5m. Phần đất ở giữa để trống dành cho đầu tư tuyến chính giai đoạn 2. Mặt cắt ngang tổng thể tuyến theo quy hoạch rộng 67m. Phần cầu sẽ xây dựng 3 cầu là cầu Rạch Lùng, cầu Rạch Ông Việt và cầu Rạch Gò Cát. Chiều dài mỗi cầu 79,67m. Ngoài ra, còn xây dựng mới hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật, nút giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ đảm bảo an toàn giao thông và một số hạng mục phụ trợ, phù hợp với quy mô đường giai đoan 1.
Đoạn 4, từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3km. Chiều dài toàn tuyến 5,3km, mặt cắt ngang rộng 60m. Xây dựng cầu Phú Định dài 447,5m, mặt cắt ngang rộng 28m.
Được biết, tình hình giải tỏa mặt bằng của 4 đoạn còn lại của dự án Vành đai 2 đang ở những tiến độ khác nhau và gặp những vấn đề khó khăn khác nhau.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định điều chỉnh số 568/QĐ-TTg ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường Vành đai 2 trên địa bàn TPHCM có tổng chiều dài 69,2km đi qua 9 quận, huyện. Đó là các quận: 2, 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và 2 huyện Hóc Môn, Bình Chánh.
Đường Vành đai 2 của TP.HCM được xác định với lộ trình như sau: nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (QL 1, quận Thủ Đức) – nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với QL 13) – nút giao thông An Sương (giao với QL 22) – ngã ba An Lập (QL 1 giao với đường Hồ Ngọc Lãm) – Phú Định – Nguyễn Văn Linh (giao với đường Trịnh Quang Nghị) – cầu Phú Mỹ – cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông – ngã tư Bình Thái (trên Xa lộ Hà Nội) – ngã ba Linh Đông (giao với đường Phạm Văn Đồng) – nút giao Gò Dưa dựa trên thông tin quy hoạchđường Vành đai 2 chiến lược quận Thủ Đức, kèm theo đó là các tuyến đường cao tốc: Trung Lương – TP.HCM, cao tốc Long Thành – TP.HCM – Dầu Giây, Long Thành – Bến Lức.
Đường Vành đai 2 tổ chức lại giao thông của thành phố, đưa các xe vận tải, xe chở hàng, vật tư công nghiệp, đi theo hệ thống khu công nghiệp, cảng và các khu chế xuất. Thành phố sẽ bớt quá tải nhờ vào hoạt động thiết thực của đường Vành đai 2, phục vụ cho việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội thành phố.