Tờ QCTT của Trung Quốc hôm qua đã có bài viết giới thiệu về hai mẫu xe mới của VinFast, đồng thời cảnh báo các nhà phát triển ô tô trong nước trước một đối thủ đáng gờm từ quốc gia láng giềng.
Trong bài báo có tựa đề “Chiếc xe hơi đầu tiên của Việt Nam sẽ sớm thâm nhập vào Trung Quốc, với thiết kế từ Ý. Các hãng xe trong nước nên cẩn trọng”, báo điện tử QCTT của Trung Quốc đã có những đánh giá ban đầu về 2 mẫu xe mới chính thức được VinFast công bố từ tuần trước.
Cụ thể, tờ này nhận xét, thiết kế độc đáo của hai dòng xe này mang lại khả năng nhận diện rất cao cho các sản phẩm đến từ Việt Nam. Dựa trên những gì đã được công bố, các chuyên gia của trang này cho rằng VinFast là cái tên đáng chờ mong trong nhóm các nhà phát triển Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
“Rất có thể, mẫu xe này sẽ cạnh tranh trực tiếp với những chiếc xe của Geely Automobile. Thậm chí, Haval cũng nên cẩn trọng”, trang này nhận định. Geely và thương hiệu thuộc tập đoàn Great Wall hiện là những cái tên nổi bật của Trung Quốc trên thị trường quốc tế, và là những thương hiệu nội địa thành công nhất tại đất nước tỷ dân.
Geely vốn tập trung phát triển các dòng xe mang hơi hướng Volvo, sau khi công ty sở hữu hãng này là Zhejiang Geely Holding Group mua lại Volvo từ Ford. Cùng có chung ngôn ngữ thiết kế châu Âu, không lạ khi báo chí Trung Quốc bất ngờ đặt cái tên này song song với VinFast, để cảnh báo các nhà phát triển ô tô trong nước trước một đối thủ đáng gờm từ quốc gia láng giềng.
Trong khi đó, tạp chí Autoweek của Mỹ nhấn mạnh việc VinFast đã phá vỡ các quy tắc truyền thống trong ngành xe hơi, và tạo nên những kỷ lục mới. Hãng phát triển xong xe mẫu chỉ trong vòng 11 tháng, nhanh gấp hàng chục lần mức trung bình của ngành ô tô hiện đại.
“VinFast đã tìm ra một cách rất mới để khởi đầu thương hiệu ô tô của mình, trong khi vẫn hứa hẹn mang tới đột phá và ấn tượng trong kỹ thuật. Kỷ lục 11 tháng là chuyện không phải dễ dàng thấy được trong ngành đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp và đầu tư dài hạn như xe hơi, và cũng không dễ với một nước đang phát triển, còn chưa đầy đủ ngành phụ trợ như Việt Nam”.
Nhịp sống Kinh tế