Bất động sản đứng số 1
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2017 bất động sản là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 1,01 tỉ USD vốn đăng ký, chiếm 43,4% và vượt qua cả lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A khủng. Dòng vốn ngoại, đặc biệt là từ các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản… tiếp tục chảy mạnh, cho thấy sức hút lớn của thị trường bất động sản Việt Nam.
Điển hình như Tập đoàn Mitsubishi và Phuc Khang Corporation công bố hợp tác chiến lược và ký kết liên doanh phát triển dự án nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh tại TP.HCM. Theo đó, Mitsubishi Corporation (49%) và Phuc Khang Corporation (51%) thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ.
Hàng tỉ USD đang được các nhà đầu tư ngoại đổ vào thị trường bất động sản TP.HCM. |
Ngoài tập trung phát triển dự án Diamond Lotus Riverside, Mitsubishi Corporation và Phuc Khang Corporation, thông qua PKMC Holding sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20ha trong khu vực trung tâm TP.HCM.
Tương tự, Keppel Land đã mua thêm 16% cổ phần tại Keppel Land WATCO 1-5, từ đối tác Việt Nam. Đây là các công ty liên doanh phát triển dự án Saigon Centre tại TP.HCM. Thương vụ trị giá 845,9 tỉ đồng.
Giao dịch này đã giúp Keppel Land nâng tổng số cổ phần tại các công ty liên doanh phát triển Saigon Centre giai đoạn 1 và 2 từ khoảng 45,3% lên 53,5%. Đồng thời nâng tổng số cổ phần tại hai công ty liên doanh phát triển các giai đoạn tiếp theo của Saigon Centre từ 68% lên 76,2%.
Còn hai doanh nghiệp Nhật Bản là Hankyu Realty đến từ Osaka và Nishi Nippon Railroad đến từ Fukuoka đã góp vốn cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long để thực hiện dự án Mizuki Park với tổng số tiền lên tới 8.000 tỉ. Cụ thể, hai đối tác Nhật Bản hỗ trợ về vốn cũng như quản lý dự án, thiết kế và phát triển sản phẩm.
Một thương vụ khác cũng đến từ nhà đầu tư Nhật Bản là quỹ đầu tư Creed Group và An Gia Investment công bố đã hoàn tất việc mua tiếp phần còn lại của dự án La Casa ở quận 7, từ Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng. Giá trị chuyển nhượng dự án là khoảng 1.110 tỉ đồng. Trong đó, Creed Group giữ 40% cổ phần và An Gia Investment nắm 60%.
Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào TP.HCM bởi đây là địa phương có quy mô thị trường bất động sản lớn nhất cả nước. Hiện nay cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM lớn hơn ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác. Đây chính là lý do khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường phía Nam nhiều hơn.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam nhận định, khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, họ sẽ hướng đến những thành phố lớn, trọng điểm của cả ba miền, đặc biệt là những trung tâm công nghiệp phát triển, những thành phố cảng lớn phục vụ cho việc xuất khẩu.
Trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã phát triển mạnh và thu hút lượng vốn lớn, trong khi đó xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng và lần đầu tiên vượt mốc 400 tỉ USD. Do đó, nguồn vốn đầu tư bất động sản tập trung vào những thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, xuất khẩu… để đón đầu sự tăng trưởng của các ngành này là điều dễ hiểu.
Một phân khúc khác hút mạnh vốn ngoại là bất động sản nghỉ dưỡng, với lực hút từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Nếu như năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam cán mốc đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, thì năm 2017 kỷ lục này đã bị phá vỡ với gần 13 triệu lượt.
“Sự khởi sắc mạnh mẽ của ngành du lịch đã tạo đà phát triển lớn cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Cùng với đó là những hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập sôi nổi ở nhiều phân khúc”, ông Khương nói.
Phải chú ý hiệu quả
Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2018 của Ban Kinh tế Trung ương nhận định, giai đoạn 2013-2014 đã chứng kiến hàng loạt các thay đổi về thể chế, chính sách liên quan đến thị trường bất động sản với việc ban hành Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014. Thể chế chính sách mới mang tính minh bạch và cởi mở hơn đã có tác động tích cực trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2014 đã tạo khung pháp lý cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở Việt Nam. Thống kê của Savills Việt Nam cho thấy, năm 2017 số lượng người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM là hơn 1.000 người.
Sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bất động sản 2018 và người mua nhà sẽ được hưởng lợi. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay các dự án bất động sản được phát triển bởi nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm thị phần đáng kể tại TP.HCM, cạnh tranh và thống lĩnh ở phân khúc bất động sản cao cấp.
Nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực này trong năm qua phần lớn đều từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong. Đặc biệt sự tham gia của nhà đầu tư từ Trung Quốc là một nét mới, với một số dự án được triển khai ở khu vực lân cận TP.HCM cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng lên.
“Tuy nhiên để dòng vốn ngoại vào Việt Nam được thuận lợi hơn, thủ tục hành chính có liên quan cần được đơn giản hoá mạnh hơn. Hiện nay thủ tục về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà vẫn còn nhiều cản trở”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, một số quy định khác cũng được đánh giá là còn nhiều ràng buộc và khiến nhà đầu tư dè dặt. Chẳng hạn hiện nay người nước ngoài chỉ được phép mua nhà từ các dự án nhà ở thương mại, không được mua nhà ở hiện hữu. Tỉ lệ tối đa được bán cho người nước ngoài cũng bị hạn chế ở mức 30% với dự án căn hộ và 10% với dự án nhà đất.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, hiện nay quy mô FDI trong nền kinh tế khá lớn nhưng giá trị gia tăng không cao. Phần lớn các nguyên liệu, phụ tùng phục vụ sản xuất cho các ngành sản xuất của doanh nghiệp FDI vẫn là nhập khẩu.
Các trung tâm nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp FDI chưa được thành lập nhiều ở Việt Nam. Doanh nghiệp FDI vẫn tồn tại tương đối biệt lập với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa của FDI về nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, chất lượng giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế.
Ông Lộc cho rằng, giai đoạn tới, cần cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng của dòng vốn FDI nhằm đón đầu xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Còn GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần triển khai nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về FDI để có những chính sách phù hợp, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
“Muốn thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thì cần có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để tiệm cận với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Mại nói.
Theo Phụ nữ mới