Vươn mình cùng hạ tầng
Là đầu mối của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Đồng Nai đã và đang trở thành khu vực kết nối của hàng loạt công trình trọng yếu. Chính cú hích hạ tầng đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ, tác động lên thị trường bất động sản khu vực này. Trong đó thành phố Biên Hòa được cho là có rất nhiều lợi thế.
Hiện nay, từ Biên Hòa di chuyển vào TP.HCM chỉ mất độ 30 phút thông qua xa lộ Hà Nội và các tuyến đường như quốc lộ 1K – Phạm Văn Đồng, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được UBND TP.HCM chấp thuận phương án kéo dài đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương). Trong tương lai, tuyến đường sắt đô thị này sẽ tăng cường khả năng kết nối đến Biên Hòa.
Nhìn xa hơn, thị trường bất động sản Đồng Nai được dự báo sẽ phát triển hơn nhờ khu dự án xây cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch của Đồng Nai có tổng vốn đầu tư 7.200 tỉ đồng được khởi công vào năm 2020.
Không những vậy, việc đầu tư sân bay Long Thành hay tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng giúp hình thành các tuyến liên vùng. Đồng thời góp phần kết nối giao thương, tạo cú hích mạnh mẽ cho vùng kinh tế phát triển năng động bậc nhất của cả nước.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030 đã định ra hướng phát triển khu vực này trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng Nai cũng đang dồn lực để nâng cấp thành phố Biên Hòa phát triển trở thành đô thị vệ tinh độc lập, trực thuộc trung ương trong tương lai.
Điểm hẹn của nhiều “ông lớn”
Giới chuyên gia nhận định, lợi thế về hạ tầng đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ, khởi động cho một chu kỳ phát triển bứt phá của thị trường bất động sản Đồng Nai những năm gần đây. Chính những tiềm năng này đã khiến thị trường bất động sản Đồng Nai nói chung và thành phố Biên Hòa nói riêng trở thành cái tên thu hút nhiều doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước như Đất Xanh, Kim Oanh, Vina Capital hay mới đây là Hưng Thịnh.
Giới trong ngành cho biết, ngoài lợi thế là “sân sau” của TP.HCM, Đồng Nai là nơi quy tụ nhiều khu công nghiệp đang hoạt động. Lực lượng chuyên gia và công nhân về làm việc tại đây khá lớn nên nhu cầu nhà ở theo đó cũng tăng lên nhanh chóng. Trong khi mặt bằng giá bất động sản sản Biên Hòa vẫn đang thấp hơn nhiều so với tại TP.HCM. Vì vậy nhà đầu tư bất động sản không thể bỏ qua thị trường đầy tiềm năng này.
Theo thống kê, đến nay Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang hoạt động với quy mô 10.000 ha, thu hút 1.335 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn gần 30 tỉ USD. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, các dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu thuộc nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch và có vốn đầu tư lớn.
Có lẽ chính tiềm năng như vậy nên các dự án đưa ra tại thị trường này dành được sự quan tâm khá lớn từ khách hàng. Đơn cử như tập đoàn Hưng Thịnh mới đây giới thiệu ra thị trường dự án Biên Hòa New City- khu đô thị mới ven sông Đồng Nai có quy mô lên tới 119 ha với hơn 3.600 nền đất. Với mức giá từ 10 triệu đồng/mét vuông, lại có sổ đỏ riêng từng nền nên dự án thu hút khá nhiều khách hàng quyết định “xuống tiền”. Theo đơn vị phát triển dự án, cùng với hạ tầng xung quanh hoàn thiện, thủ tục pháp lý hoàn thiện đã giúp Bien Hoa New City tạo niềm tin nơi khách hàng.
Trước đó, dự án khu đô thị Long Hưng Dreamland City của DonaCoop hay căn hộ Biên Hoà City Square tại trung tâm Biên Hòa Berjaya-D2D cũng đã mở bán, thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Theo bà Lê Thị Huyền Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Việt Nam của JLL, việc nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển về các khu vực vùng ven như Bình Dương và Đồng Nai tìm cơ hội là một xu hướng tự nhiên.
“Khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, mật độ cư dân ở các thành phố lớn như TP.HCM trở nên dày đặc thì thị trường đương nhiên sẽ phát triển lan ra các vùng ven. Trong đó khu vực nào có hạ tầng phát triển và kết nối tốt hơn thì sẽ phát triển mạnh hơn về hướng đó”, bà Trang nói.
Đồng thời chuyên gia này cũng cho rằng các thị trường như Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển vì nơi đây được định hướng trở thành thành phố vệ tinh trong tương lai. Sự hiện diện của nhiều chủ đầu tư tại đây sẽ giúp hình thành một thành phố vệ tinh tự lực. Tức là cư dân không phải di chuyển vào TP.HCM hay đi đâu xa mà vẫn có thể làm việc và sinh sống, thư giãn ngay tại đó. Chính lợi thế trên cũng là cho thị trường khu vực này trở nên tiềm năng hơn.