Tổng thống Trump đang đứng trước nhiều biện pháp đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hôm 8/4, trong đó không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
Trái ngược với tuyên bố rút khỏi chiến sự Syria vào đầu tháng 4, Tổng thống Trump cùng đội ngũ cố vấn đang cân nhắc các hướng giải quyết mạnh mẽ hơn đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với lý do chỉ có sử dụng vũ lực mới có thể ngăn chặn hành vi sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria.
Hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đang hoạt động ngoài khơi Địa Trung Hải có khả năng phóng tên lửa vào các căn cứ không quân của Syria, điều mà ông Trump từng thực hiện năm 2017 sau vụ tấn công hóa học làm 80 người chết.
Tổng thống Trump trong cuộc họp với các lãnh đạo quân sự tại Nhà Trắng vào ngày 9/4. Ảnh: New York Times. |
Theo New York Times, Nhà Trắng đang lo ngại việc thực hiện những biện pháp trừng phạt như trong quá khứ sẽ không thể kìm hãm những nỗ lực của quân đội Syria. Bộ máy của ông Trump mong đợi những đợt tấn công mới sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng việc nhắm vào nhiều mục tiêu hoặc kéo dài trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, dường như ông Trump vẫn chần chừ trong việc can thiệp sâu hơn vào chiến sự tại Syria. Điều mà chính quyền của ông đang phải đối mặt là thực tế rằng vấn đề Syria không dễ giải quyết bằng những phương pháp ít tốn kém, ít rủi ro mà Mỹ thường sử dụng trong những thách thức về ngoại giao sau Chiến tranh Lạnh.
Cân nhắc các biện pháp trừng phạt
Ngày 10/4, Tổng thống Trump đã hoãn chuyến công du đến các nước Nam Mỹ để tập trung thảo luận những biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Syria.
Trong một tuyên bố vào ngày 11/4, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định tất cả các biện pháp, kể cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự, đều đang được vị tổng thống cân nhắc.
Nhiều đồng minh của Mỹ như Pháp, Anh, Saudi Arabia và Qatar đã lên tiếng cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công hóa học hôm 8/4. Tuy nhiên, việc các nước này có tham gia trừng phạt Syria hay không vẫn là một ẩn số.
Người đàn ông bế đứa trẻ sống sót chạy khỏi một vụ không kích tại thành phố Aleppo, Syria vào năm 2015. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi không mong muốn leo thang căng thẳng trong khu vực, chúng tôi hy vọng luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là luật về nhân quyền sẽ được tôn trọng”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ triệu tập cuộc họp nội các trong ngày 12/4, cân nhắc việc tham gia tấn công Syria mà cùng Mỹ và các đồng minh. Nhiều khả năng các thành viên nội các sẽ ủng hộ kế hoạch này.
Tại Washington, hầu hết thượng nghị sĩ đều ủng hộ việc sử dụng biện pháp quân sự trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, một số người theo chủ nghĩa tự do thuộc đảng Dân chủ phản đối đề xuất này. Họ kêu gọi chính quyền sử dụng biện pháp ngoại giao, “tăng cường hợp tác với các đồng minh và thúc đẩy việc ban hành lệnh cấm quốc tế về sử dụng vũ khí hóa học”.
Ba kịch bản Mỹ có thể lựa chọn
Trong bối cảnh như trên, tờ New York Times đưa ra ba kịch bản mà Mỹ có thể sử dụng để trừng phạt chính quyền Syria:
Kịch bản thứ nhất, chính quyền Trump có thể quyết định trừng phạt Syria ở mức độ “vừa phải” trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và quân sự nhằm truyền tải thông điệp rằng quốc gia này sẽ không được dung thứ đối với hành vi sử dụng vũ khí hóa học.
Ưu điểm của biện pháp trên là không đẩy cuộc chiến tranh Syria vào những kịch bản khó dự đoán, ví dụ như khiến Mỹ vướng vào những xung đột lớn hơn hoặc khiến chính quyền Syria sụp đổ, điều gây ảnh hưởng đến tính mạng của hàng triệu người.
Tuy nhiên, trong quá khứ, việc sử dụng những biện pháp này đã thất bại vì chúng không đủ mạnh để gây sức ép buộc Tổng thống Assad từ bỏ vũ khí hóa học. Mặt khác, Nga và Iran luôn sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Syria chống lại những tấn công như trên.
Cuộc chiến Syria đã kéo dài 7 năm khiến hàng triệu sinh mạng người dân rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Ảnh: New York Times. |
Kịch bản thứ hai, Mỹ có thể tiếp tục viện trợ cho quân đối lập như dưới thời cựu Tổng thống Obama. Hệ thống tên lửa chống tăng BGM-71 TOW do ông Obama cung cấp đã được lực lượng đối lập sử dụng rất hiệu quả để đẩy lùi quân đội thuộc chính quyền Assad.
Vấn đề của phương pháp này là Nga và Iran hoàn toàn có thể leo thang cùng với Mỹ, cung cấp cho chính quyền Syria vũ khí tương đương hoặc thậm chí tối tân hơn để chống lại các thế lực đối lập. Mỹ viện trợ súng đạn, Iran gửi lực lượng tác chiến. Mỹ hỗ trợ tên lửa, Nga giúp chính quyền thành lập đơn vị pháo binh.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận vấn đề của ông Obama đã thất bại và “phản chủ” vì đã lôi kéo Nga can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến Syria. Kết quả là số người thiệt mạng ngày càng tăng nhưng vẫn không thay đổi được tính toán của ông Assad. Đơn giản, Moscow và Tehran luôn có khả năng cân bằng trong cuộc chiến leo thang với Washington.
Một binh lính thuộc lực lượng đối lập sử dụng lửa chống tăng BGM-71 TOW do chính quyền Obama cung cấp. Ảnh: Aljazeera. |
Kịch bản thứ ba, Mỹ có thể lựa chọn can thiệp toàn diện hoặc tấn công trực tiếp, đe dọa sự tồn tại của chính quyền Syria.
Để những cuộc tấn công này có hiệu quả, Mỹ buộc phải chấp nhận hai rủi ro mà quốc gia này từ đầu luôn cố tránh. Đầu tiên là viễn cảnh chính quyền Syria sụp đổ, điều có thể khiến cuộc chiến kéo dài, kéo theo đó là hàng triệu sinh mạng người dân rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Tiếp theo là khả năng chạm trán trực diện với quân đội Nga, thế lực hạt nhân mạnh mẽ có thể khiến căng thẳng leo thang khắp khu vực Trung Đông và Đông Âu, khiến hàng triệu người lâm vào thế nguy hại đến tính mạng.
Theo: Zing News