Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 đã mở màn với cuộc họp báo và công bố báo cáo học thuật. Diễn đàn này diễn ra tại thị trấn Bác Ngao thuộc tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc từ ngày 8 – 11/4.
Chủ đề BFA 2018 là “Một châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn”. Xoay quanh chủ đề này, diễn đàn sẽ tập trung vào bốn nội dung lớn: “Toàn cầu hóa với ‘Vành đai và Con đường”, “Châu Á mở cửa”, “Sáng tạo”, “Cải cách rồi mở cửa”.
Tổng Thư ký BFA Chu Văn Trọng đã công bố ba báo cáo học thuật quan trọng nhất của diễn đàn năm nay gồm: “Báo cáo về nhất thể hóa kinh tế châu Á”, “Báo cáo về các nền kinh tế mới nổi”, “Báo cáo về sức cạnh tranh của châu Á”. Các báo cáo này sẽ tập trung trình bày về tiến triển của tiến trình nhất thể hóa châu Á, tình hình một số nền kinh tế mới nổi tiêu biểu, bảng xếp hạng sức cạnh tranh của các nước châu Á.
Được coi là diễn đàn kinh tế thế giới của khu vực châu Á, BFA năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Á đang triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 nhằm xây dựng xã hội hiện đại, thịnh vượng về mọi mặt.
Bên cạnh đó, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy…, buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.
Đặc biệt, ngay trước thềm BFA, chủ đề “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang trở nên nóng bỏng sau khi Washington và Bắc Kinh triển khai hàng loạt biện pháp thuế quan mang tính chất trả đũa lẫn nhau, bắt nguồn từ việc Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
Trên bình diện quốc tế nói chung, các nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng và hội nhập sâu rộng thông qua đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang lại nhiều biến đổi về chất, tạo ra rất nhiều cơ hội cần được nắm bắt và cũng gây ra nhiều khó khăn đòi hỏi giải pháp tháo gỡ.
Lâu nay, châu Á luôn được xem là động lực và “đầu tàu” của tăng trưởng kinh tế thế giới, sự phát triển dựa trên đổi mới và hội nhập của châu lục này đang trở thành chìa khóa dẫn tới thành công của các nền kinh tế châu Á, qua đó khẳng định vai trò “dẫn dắt” đối với kinh tế toàn cầu và nâng cao tầm ảnh hưởng của các nước châu Á.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Manuel Teehankee nhận định rằng BFA là một diễn đàn đối thoại quan trọng bởi nó tập trung giải quyết những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt và cách thức mà châu Á có thể đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của thế giới. BFA năm nay cũng là dịp để các nước đưa ra phản ứng trước xu thế bảo hộ thương mại đang có xu hướng lan rộng, từ đó tái khẳng định ý nghĩa của mở cửa hội nhập.
Chủ đề BFA năm nay cũng là lời khẳng định một lần nữa vai trò của châu Á luôn đi tiên phong về tăng trưởng kinh tế và mang lại người dân cách tiếp cận thống nhất với phát triển kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo tại châu lục, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.
Giáo sư Adi Zakaria Afiff – Phó Hiệu trưởng Đại học Indonesia, cho rằng BFA có thể dẫn đến sự hợp tác và hội nhập hiệu quả nhằm đạt được thịnh vượng chung cho khu vực. Đó cũng là lý do BFA 2018 thu hút sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo doanh nghiệp.
Thông qua các cuộc thảo luận tại BFA năm nay, các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp có thể đưa ra những biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết những vấn đề nổi cộm mà thế giới và các nền kinh tế khu vực đang phải đối mặt, qua đó nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng cởi mở và đổi mới, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.
Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul, ông Sung Nak-in khẳng định BFA là cơ hội tốt để các nước trong khu vực tăng cường hiểu biết chung về nhau cũng như nêu bật sự cần thiết phải cải cách và mở cửa. Bởi theo ông, châu Á hiện đối mặt với nhiều khó khăn trong hội nhập vì nhiều lý do.
Chỉ có thông qua sự hiểu biết chung, thông qua đối thoại và hợp tác, nguy cơ xảy ra thảm họa mới có thể được loại trừ ở quy mô toàn cầu. Trong bối cảnh đó, BFA là nơi để các nước xác định được những giá trị chung của châu Á nhằm tăng cường sự đoàn kết trong khu vực cũng như khẳng định sự tồn tại của mình thông qua hội nhập.
Có thể thấy, thông điệp phát đi từ BFA năm nay hướng tới việc tạo môi trường thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, giúp hội nhập kinh tế cởi mở hơn, đẩy mạnh nền kinh tế đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển đem lại lợi ích cho tất cả các bên, từ đó hướng tới một tương lai châu Á thịnh vượng trong một thế giới thịnh vượng.
Hội nghị thường niên của BFA năm nay còn thu hút sự chú ý của đông đảo giới truyền thông. Tờ South China Morning Post (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 7/4 nhận định các nhà bình luận từ lâu nay luôn đối chiếu BFA với diễn đàn tại Davos.
Song giữa bối cảnh châu Á là cỗ máy và bánh lái tăng trưởng của thế giới, và các nhà hoạch định chính sách chủ chốt hội tụ về Bác Ngao mỗi năm, dường như sự kiện này có thêm ảnh hưởng. Bài báo cũng cho rằng, khi một cuộc chiến thương mại với Mỹ đang đến gần, Trung Quốc phải tiến hành các thay đổi dài hạn để củng cố nền kinh tế của đất nước và tăng cường tính dẻo dai của nền kinh tế để chống đỡ các ảnh hưởng bên ngoài.
Hãng tin Anh Reuters nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ đưa ra các biện pháp cải cách trong tuần tới. Trong khi đó, nhật báo Anh The Guardian bình luận giữa khi các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các nhà quan sát của cả hai bên sẽ dõi theo sát sao bài phát biểu khai mạc diễn đàn của người đứng đầu nước Trung Quốc./.
Theo: TTXVN