Ngoại trưởng Australia Julie Bishop lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông sau thông tin Bắc Kinh điều máy bay ném bom tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 21/5, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm G20 tại Argentina. Trong cuộc gặp, bà Bishop khẳng định bà phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Quan điểm của Australia rất rõ ràng, nhất quán và Trung Quốc biết rõ điều này. Mối quan ngại của chúng tôi về việc Trung Quốc quân sự hóa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông luôn là một trong số các nội dung thảo luận từ trước đến nay”, bà Bishop nói vào ngày 22/5.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 ngày 21/5. Ảnh: Reuters. |
Bà Bishop cũng đã thảo luận về vấn đề Biển Đông với Mỹ tại hội nghị. Bà cho biết Australia sẽ tiếp tục thực hiện quyền về tự do hàng hải và “ủng hộ quyền này của những nước khác”.
Ngoại trưởng Australia đánh giá cuộc gặp với bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc diễn ra “nồng hậu, thẳng thắn và mang tính xây dựng” và cho biết thêm sẽ sớm tới thăm Bắc Kinh. Australia “sẽ tiếp tục tiếp cận mối quan hệ song phương với thiện chí, sự thực tế và giao tiếp cởi mở”, ABC dẫn lời bà Bishop.
Trung Quốc đã có nhiều lần triển khai máy bay ném bom H-6K ra Biển Đông. Tháng 7/2016, Tân Hoa xã đăng tải hình ảnh H-6K tuần tra gần một đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong thông cáo báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định quan hệ Trung Quốc – Australia “gặp một số khó khăn”.
Ông kêu gọi Australia áp dụng phương thức tích cực hơn với Bắc Kinh. “Nếu Australia chân thành hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ trở lại đúng hướng, họ phải thoát khỏi tư duy truyền thống và nhìn vào sự phát triển của Trung Quốc từ góc độ tích cực”, ông Vương nói.
Cuối tuần trước, Không quân Trung Quốc cho biết một số máy bay ném bom, bao gồm máy bay chiến lược H-6K có khả năng tấn công hạt nhân tầm xa, đã tiến hành tập trận, hạ cánh và cất cánh trên một hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Các chuyên gia quốc tế nhận định địa điểm H-6K hạ cánh là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Quần đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép
Máy bay ném bom H-6K hạ cánh tại Hoàng Sa. Các nhà phân tích quân sự nhận định địa điểm H-6K diễn tập hạ cánh trên biển Đông chính là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngọc Hà
Nguồn: News.zing.vn