Ông Lưu Đức Khánh cho biết, thông thường, giá cổ phiếu phản ánh hoạt động của doanh nghiệp nhưng với trường hợp của Vietjet thì lại không đúng vì công ty đang trong thời kỳ hoạt động tốt nhất từ trước đến nay.
Giám đốc Điều hành Lưu Đức Khánh của Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet – mã VJC) vừa trả lời phỏng vấn về tình hình hoạt động của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, ông khẳng định Vietjet đang trong thời kỳ phát triển tốt nhất từ trước đến nay.
Thưa ông, có những thay đổi gì sau khi Vietjet đại chúng hóa và trở thành công ty niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán TPHCM?
Ông Lưu Đức Khánh:Vietjet lên sàn sau hơn 1 năm đem lại những giá trị mới cho các nhà đầu tư. Chúng tôi tự hào về những đóng góp cho thị trường chứng khoán và cho một giai đoạn bùng nổ của ngành hàng không Việt Nam, kéo theo hiệu quả của các doanh nghiệp trong ngành.
Việc quan tâm của các nhà đầu tư đã trợ giúp hiệu quả cho sự phát triển chung của ngành hàng không VN trong đó có cả hạ tầng hàng không như sân bay, nhà ga, các hoạt động dịch vụ, đào tạo… điều này đã thúc đẩy cho sự tăng trưởng chung của ngành trong đó có Vietjet.
Ông có thể chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh từ đầu năm tới giờ của Vietjet?
Kết thúc quý I/2018, Vietjet tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Cụ thể, doanh thu đạt 12.560 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách, doanh thu hoạt động phụ trợ và quý này có doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay. Nhờ việc tăng cường thêm đội tàu bay mới, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 6.035 tỷ đồng, tăng 52% so với quý I/2017 và vượt gần 10% so với kế hoạch đề ra giúp lợi nhuận ở mảng kinh doanh cốt lõi của Vietjet quý này đạt gần 737 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Hoạt động phụ trợ cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu 1.825 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.
Vietjet là một trong những doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường chứng khoán
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.366 tỷ đồng, tăng 263%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu trong quý là 3.026 đồng, là một trong các doanh nghiệp có mức EPS cao nhất trên thị trường chứng khoán.
So với kế hoạch 50.970 tỷ đồng doanh thu và 5.806 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2018, kết thúc quý I, Công ty đã hoàn thành 25,5% kế hoạch năm. Tính tới hết 31/3/2018, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietjet là 6.724 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2018, Vietjet đã thực hiện 28.830 chuyến bay với độ tin cậy kỹ thuật 99,7% cùng các chỉ số an toàn khai thác bay, khai thác mặt đất đều thuộc nhóm cao hàng đầu khu vực. Tỷ lệ đúng giờ trong quý I đạt 83,4%. Trong quý 1, công ty cũng công bố kế hoạch mở đường bay quốc tế tới Ấn Độ và Úc, nằm trong chiến lược mở rộng mạng bay quốc tế sau khi đã phủ kín mạng bay nội địa.
Thị phần của Vietjet trong quý 1/2018 là bao nhiêu thưa ông?
Kết thúc năm 2017, thị phần nội địa của Vietjet Air là 43%. Chỉ mất 6 năm, chúng tôi từ con số 0 đã vươn lên vị trí dẫn đầu tại Việt Nam.
Trong quý 1, Vietjet duy trì vị thế dẫn đầu tại thị trường nội địa, thị phần nội địa tiếp tục tăng thêm khoảng 3-4%. Trên thị trường quốc tế, Vietjet là hãng có nhiều chuyến bay nhất đến các thị trường từ Việt Nam đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (khu vực Đông Bắc Á là khu vực có doanh thu bình quân cao nhất Châu Á)
Năm 2018 Vietjet dự kiến mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế, ông có thể chia sẻ về kế hoạch này và kết quả đã thực hiện được trong quý 1 vừa qua?
Trong năm 2018 Vietjet dự kiến mở 4 đường bay nội địa và 22 đường bay quốc tế nâng tổng số đường bay lên 102 đường, trong đó 42 đường nội địa và 60 đường quốc tế, tỷ trọng giữa nội địa và quốc tế là 42:60. Chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển mạng bay quốc tế nhờ có khả năng thu tiền bán vé bằng ngoại tệ, khả năng tăng tỷ lệ doanh thu phụ trội và chi phí nhiên liệu thấp hơn trong nội địa.
Đối với thị trường quốc tế, năm 2018, Vietjet sẽ tập trung mở rộng mạng bay tới thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, chuẩn bị đường bay Ấn Độ, Úc và tiếp tục phát triển mạng bay tới Trung Quốc đáp ứng nhu cầu chuyển dịch xu hướng du lịch từ một số nước điểm đến tại Bắc Á về Việt Nam.
Ngành hàng không trong nước và thế giới đang bước vào chu kỳ phát triển mới và Vietjet đã có kế hoạch xây dựng, kết nối mạng bay toàn cầu thông qua quan hệ interlines, code share với các hãng hàng không khác. Cách làm này sẽ giúp hành khách của Vietjet có thể bay tới hầu khắp các nước trên thế giới.
Giá cổ phiếu VJC hiện đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 228.100 đồng/cp đạt được đầu tháng 4. Ông có đánh giá được nguyên nhân?
Thông thường, giá cổ phiếu phản ánh hoạt động của doanh nghiệp nhưng với trường hợp của Vietjet thì lại không đúng. Chúng tôi đang trong thời kỳ hoạt động tốt nhất từ trước đến nay. Không có lý do gì liên quan tới kết quả hoạt động của công ty ảnh hưởng tới việc giảm giá cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán thời gian qua điều chỉnh mạnh do tác động của TTCK thế giới. Không chỉ riêng cổ phiếu VJC mà hầu hết các cổ phiếu bluechips trên sàn đều giảm rất mạnh. Một lý do nữa theo tôi đánh giá, cổ phiếu Vietjet thời gian qua đã tăng trưởng cao nên một số nhà đầu tư ngắn hạn đã chốt lời và một số quỹ cần cân đối lại nguồn tiền để tham gia vào các thương vụ IPO mới trên thị trường.
Định giá P/E của Vietjet hiện khoảng 13 lần nhưng đây vẫn là mức giá thấp so với một số mã trên thị trường và so với một doanh nghiệp hàng không đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ như Vietjet. Tôi tin dòng tiền thị trường sẽ trở lại những giá trị đích thực của doanh nghiệp.
Thưa ông, như được biết giá dầu ảnh hưởng rất lớn đối với một hãng hàng không giá rẻ như Vietjet, vậy ông có thể cho biết giá dầu tác động đến lợi nhuận của Vietjet trong năm 2018 ra sao và công ty có những biện pháp gì để hạn chế thấp nhất rủi ro nếu giá dầu biến động quá mạnh? Công ty có thực hiện hedging giá dầu không?
Về diễn biến giá dầu thì chúng tôi đã lường trước và đưa vào kế hoạch kinh doanh năm nay. Với một hãng hàng không chi phí thấp như Vietjet, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% – 40% chi phí hoạt động của hãng. Chúng tôi có riêng chương trình quản trị chi phí nhiên liệu. Chúng tôi tự tin về khả năng kiểm soát chi phí ở mức thấp tối đa. Nhìn lại quá trình từ khi mới ra đời, thời điểm 2008-2010 khi đó giá dầu ở mức 130 USD/thùng, gấp đôi mức giá hiện nay nhưng Vietjet vẫn có lãi sau 2 năm hoạt động từ năm 2011 với giá dầu mức 110 USD/thùng. Năm 2018, Vietjet xây dựng kế hoạch với dự kiến giá dầu bình quân 72 USD/thùng. Đó là lí do vì sao Vietjet luôn duy trì được chỉ số chi phí khai thác ở mức thấp nhất trên thế giới và chúng tôi có thể vượt qua được cơn khủng khoảng giá dầu giai đoạn 2010-2014 trong khi có những hãng hàng không thua lỗ hàng trăm triệu đô la vì hedging nhiên liệu.
Chúng tôi cũng chủ động vận hành các phương án hedging, một cách cẩn trọng và linh hoạt.
Bên cạnh đó, các tàu bay mới chúng tôi đang sử dụng là các máy bay sharklet tiết kiệm 4% nhiên liệu. Từ cuối năm 2017, chúng tôi bắt đầu nhận tàu bay thế hệ mới A320/A321 NEO với động cơ tiết kiệm nhiên liệu lên tới 15%. Chúng tôi cũng dự kiến tiết giảm thêm 5% chi phí CASK Ex Fuel (chi phí trên mỗi ghế luân chuyển loại trừ chi phí nhiên liệu) vào năm 2018.
Một điểm nữa là Vietjet hiện đang tăng cường mở rộng các đường bay quốc tế, với giá nhiên liệu tại thị trường nước ngoài thấp hơn thị trường trong nước khoảng 30%, chúng tôi cũng sẽ giảm bớt được một phần chi phí xăng dầu.
Theo Trí thức trẻ