Chưa đầy 2 năm trước, ông Donald Trump, người được cả nước Mỹ biết đến trong vai trò một tỷ phú bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế, trở thành Tổng thống Mỹ sau cuộc đua vào Nhà Trắng đầy kịch tính. Trong suốt quá trình tranh cử và ngay sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn thường xuyên bị ông Trump chỉ trích với những lời lẽ nặng nề cùng những lời đe dọa cứng rắn.
Tuy nhiên, ông Trump, người nổi tiếng với những quyết định bộc phát, đã đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, điều mà chưa một tổng thống Mỹ nào từng làm. Rõ ràng, quyết định đồng ý đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên khá đột ngột, làm bất ngờ nước Mỹ, các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như cả Trung Quốc.
Ông Trump và ông Kim Jong Un sẽ gặp nhau vào ngày 12/6 tại Khách sạn Capella nằm trên đảo du lịch Sentosa của Singapore.
Thông thường, một hội nghị thượng đỉnh, nhất là với quốc gia đang đối đầu, thường mất nhiều tháng chuẩn bị. Các nhà đàm phán phải cân não từng chút, từ địa điểm tổ chức, chỗ ngồi, an ninh… cũng như nội dung mà hai bên sẽ bản thảo và tuyên bố dự kiến. Thông thường, hội nghị sẽ chỉ diễn ra khi người ta có thể hình dung ra phần nào kết quả của nó.
Tuy nhiên, điều đó dường như không còn đúng trong cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim. Hội nghị thượng đỉnh lịch sử có thể chỉ là khởi đầu cho điều gì đó mà những người ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới thực sự trông đợi.
Ông Trump từng gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “gã tên lửa” trong khi ông Kim Jong Un gọi Tổng thống Mỹ là “lão già gàn dở”. Bây giờ, họ đang chuẩn bị ngồi chung bàn đàm phán cho một sự kiện chưa từng diễn ra trong lịch sử.
Qua phát ngôn của chính hai nhà lãnh đạo cho thấy mối duyên nợ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trải qua nhiều thăng trầm.
Ông Trump nói về quyết định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 24/5.
Ti vi tại một nhà ga của Seoul chiếu hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Lịch sử bắt đầu sang trang mới với hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều. Sau những thăng trầm, cuộc gặp lịch sử đã được ấn định vào ngày 12/6/2018 tại Singapore.
Ông Kim thị sát một công trình xây dung ở khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma của Triều Tiên hôm 26/5/2018.
Ông Trump bắt tay với quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong Chol tại Nhà Trắng hôm 1/6/2018.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc gặp ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm 27/4.
Nhiều địa điểm đã được chuẩn bị để tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhưng cuối cùng Singapore được chọn. Thiên thời, địa lợi là yếu tố dẫn tới quyết định này.
QUỐC GIA TRUNG LẬP VỚI
AN NINH NGHIÊM NGẶT
Theo phía Nhà Trắng, Singapore được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên bởi Đảo quốc sư tử có chính sách ngoại giao trung lập trong khi an ninh được đảm bảo tuyệt đối.
“Singapore có cả quan hệ với Mỹ và Triều Tiên. Họ cũng có thể đảm bảo an ninh, cho cả Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un, khi hội nghị diễn ra. Người Singapore duyên dáng, dù là trong quá khứ hay ở hiện tại”, phía Mỹ nhấn mạnh tiềm năng của Singapore đồng thời nhắc đến những hội nghị thượng đỉnh khác được diễn ra ở quốc gia nhỏ bé này.
Hiện tại, Singapore cũng đã lên kế hoạch an ninh, bao gồm việc lập các khu vực đặc biệt xung quanh những khách sạn quan trọng, nơi diễn ra cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hoặc nơi ở của các phái đoàn. Song hành cùng cảnh sát và quân đội Singapore, những chiến binh Guskha, đặc nhiệm có nguồn gốc từ những vùng núi cao, hẻo lánh của Nepal, cũng đã được Singapore huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện.
HỘI NGHỊ DIỄN RA Ở ĐÂU?
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un sẽ diễn ra lúc 9h sáng ngày 12/6/2018 tại Khách sạn Capella, nằm trên khoảng diện tích 30 mẫu anh giữa khu rừng nhiệt đới trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa. Đặc thù biệt lập với một lối vào duy nhất của khách sạn này giúp các biện pháp đảm bảo an ninh trở nên dễ dàng hơn.
Trước đó, giới thạo tin cũng cho rằng Khách sạn Capella sẽ là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử khi Kim Chang Son, một quan chức cấp cao phụ trách hậu cần của Triều Tiên đã gặp Joe Hagin, một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng tại khách sạn này trong tháng 5 vừa qua để tìm ra các biện pháp đảm bảo an ninh và hậu cần cho cuộc gặp.
Ở thời điểm hiện tại, các phóng viên bị cấm vào khách sạn có quy mô 112 phòng do kiến trúc sư người Anh Norman Foster thiết kế. Khách sạn này cũng ngừng nhận đặt phòng trong cả tuần quanh thời điểm diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Theo tiếng Malay, Sentosa có nghĩa là hòa bình và bình yên. Hòn đảo này nổi tiếng với sòng bài và công viên giải trí Universal Studios cũng như biệt thự và du thuyền của các tỷ phú. Khi ông Trump và ông Kim gặp nhau ở đây, hòn đảo này sẽ bị phong tỏa.
SINGAPORE ĐƯỢC LỢI GÌ?
Được mệnh danh là “thành phố của những hội nghị thượng đỉnh”, Singapore đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình với cộng đồng quốc tế dù rất nhỏ bé về kích thước. Trong sự kiện lần này, ngoài các phái đoàn Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc, Singapore còn phải đón 3.000 phóng viên tới từ khắp thế giới.
Để đảm bảo an ninh, lực lượng vũ trang Singapore đã được yêu cầu tuần tra bằng trực thăng chiến đấu Apache và chiến đấu cơ F-16 trong thời gian diễn ra hội nghị. Dù khá quen thuộc với các sự kiện quốc tế lớn nhưng trở thành nơi diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ vẫn là điều gì đó rất khác biệt. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Triều Tiên rất hiếm khi công du nước ngoài trừ Trung Quốc.
Với kinh doanh ở địa phương, những người kéo đến Singapore nhờ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên, mang tới những cơ hội làm ăn lớn. Một số người nảy ra ý tưởng pha chế các món đồ uống mang tên hai nhà lãnh đạo trong khi các Trung tâm mua sắm tiếp tục khoe mình để thu hút du khách bởi dù sao, họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón du khách trong mùa World Cup 2018, khai mạc ngày 14/6.
Người dân Singapore và du khách quốc tế tới thăm Đảo quốc sư tử vào dịp này cũng đang rất háo hức. Eileen Chen, một nhà môi giới chứng khoán địa phương ở Singapore, cho biết, cô sẽ đi tới nơi mà hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên gặp gỡ với hy vọng có thể nhìn thấy ông Kim Jong Un dù chỉ là thoáng qua.
Nhiều người Singapore cũng cảm thấy tự hào khi đất nước mình được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên.
Những người lạc quan tin vào một thỏa thuận sớm đạt được trong khi những người bi quan nghĩ về một kịch bản trắng tay cho tất cả các bên. Một số người thì cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều chỉ là khởi đầu của một tiến trình khó khăn và lâu dài nhưng tốt đẹp với hòa bình thế giới.
THOẢ THUẬN TIỀM NĂNG
Ở thời điểm hiện tại, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim dường như là sự kiện “không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là Mỹ và Triều Tiên đã đạt được những gì trước cuộc gặp và sẽ đạt được gì sau khi rời Singapore.
Triều Tiên đã bác bỏ cái gọi là “mô hình Libya” trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Theo đó, Triều Tiên không muốn đi vào vết xe đổ của quốc gia Bắc Phi khi tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân đổi lại cho một cuộc bạo loạn, lật đổ được phương Tây hậu thuẫn và cái chết đầy khuất tất của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Trong khi đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của ông là giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, một lần và mãi mãi. Tuy nhiên, yêu cầu Triều Tiên giải trừ hoàn toàn và ngay lập tức là điều khó có thể được Bình Nhưỡng chấp nhận. Thay vào đó, có thể là giải trừ theo từng giai đoạn.
Theo các nhà phân tích, kết quả khả quan nhất sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Donald Trump là một thỏa thuận để các cuộc đàm phán sâu hơn có thể tiếp tục. Một thỏa thuận như vậy sẽ đề cập tới việc cả hai bên cùng mong muốn thúc đẩy hòa bình, cam kết hướng tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Với một thỏa thuận như thế, Triều Tiên có thể tuyên bố ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ và đồng minh giảm bớt quy mô của các biện pháp trừng phạt. Mỹ cũng có thể muốn nhắc tới tên lửa đạn đạo trong cuộc thỏa thuận bởi Hàn Quốc và Nhật Bản, những đồng minh thân cận của Mỹ, nằm dưới tầm bắn của chúng.
Cuối năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố có khả năng tấn công hạt nhân nước Mỹ. Tuy nhiên, sau đó Triều Tiên đã ngừng tiến hành các vụ thử nghiệm và gần đây nhất là phá hủy bãi thử hạt nhân chính của quốc gia này. Triều Tiên không giấu diếm mục tiêu tập trung phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Vipin Narang, phó giáo sư Khoa học chính trị của Viện Công nghệ Masachusetts, cho rằng: “Triều Tiên chẳng mất gì khi tuyên bố như vậy bởi họ đã tiến đến giai đoạn không cần tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân”.
PHI HẠT NHÂN HOÁ
Đây là điểm mấu chốt trong cuộc gặp giữa hai bên. Dù ông Trump và ông Kim có thể không đồng tình về nhiều điểm xung quanh việc phi hạt nhân hóa trong cuộc gặp đầu tiên nhưng Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử vẫn có những ý nghĩa sâu rộng, giúp mở ra một tương lai khả quan hơn.
Phi hạt nhân hóa cần một tiến trình cụ thể về ngoại giao, trong đó có các cơ chế giám sát việc phá gỡ, giải giáp…. Tổng thống Trump tin rằng việc này có thể kết thúc trong khoảng 3-6 tháng nhưng các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng, quá trình này có thể kéo dài trong ít nhất 10 năm.
Bắc Triều Tiên tuyên bố “hoàn toàn” tháo dỡ cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri
NHỮNG NHƯỢNG BỘ
Một thỏa thuận được cho là tốt cho Mỹ khi Triều Tiên tuyên bố loại bỏ sản xuất hai tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong 14 và Hwasong 15 cũng như các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc.
Triều Tiên cũng có thể sẽ đồng ý hạn chế kích thước của kho dự trữ vật liệu phân hạch được sử dụng trong sản xuất vũ khí hạt nhân. Một động thái như vậy đòi hỏi những sự giám sát chặt chẽ và đáng tin cậy cũng như đảm bảo nhà máy hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên sẽ ngừng sản xuất. Cơ sở này có thể cũng cần bị tháo dỡ.
Các chuyên gia tin rằng khả năng xác minh là chì khóa cho bất kỳ thỏa thuận lâu dài nào. Thỏa thuận với Triều Tiên sẽ dựa trên mức độ mà ông Kim Jong Un cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, về phần mình, ông Trump cũng có thể đưa ra cho Triều Tiên những ưu đãi ngay lập tức và hiện hữu để bắt đầu loại bỏ vũ khí hạt nhân. Đứng đầu trong số đó là giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ đã áp dụng để chống lại Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Trump cũng có thể giảm số lính Mỹ ở Hàn Quốc, từ 28.500 ở mức hiện tại xuống 22.000 – mức tối thiểu theo luật định. Trong một bước đi khiêm tốn hơn, Mỹ có thể đồng ý hạn chế quy mô và các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc. Triều Tiên cũng có thể cắt giảm các cuộc tập trận trong tương lai.
Kịch bản xấu nhất: Không thỏa thuận nào được đưa ra
Đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên.
Cách tiếp cận của ông Trump với việc thương lượng chưa chứng minh được nhiều hiệu quả, dù là trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay các nước đồng minh. Ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump vẫn cho thấy ông phá bỏ các thỏa thuận giỏi hơn cách ông tạo ra chúng.
Trump Cronin, chuyên gia về chiến lược khu vực châu Á – Thái Bình Dương cảnh báo: “Nếu ông Trump đứng trước một thỏa thuận tuyệt vời với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân nhưng lại từ chối nó, nước Mỹ sẽ biến thành kẻ hiếu chiến trong khi Triều Tiên trở thành bên vô cùng có thiện chí.
Ở thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ dự đoán nhưng những người yêu hòa bình trên toàn thế giới có quyền kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.