Tháng trước, việc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khác leo thang đã dẫn đến một tháng đỏ rực cho các cổ phiếu toàn cầu.
au khi trải qua sự biến động giá cả lớn trong sáu tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư chứng khoán có thể phải chật vật nhiều hơn vì những lo ngại về tranh chấp thương mại sẽ tiếp tục kéo dài, các nhà phân tích nhận định.
Trưởng nhóm nghiên cứu của Phillip Securities, Paul Chew, đã mô tả cuộc đối đầu thương mại do Mỹ khởi động là “mối đe dọa số một” đối với thị trường chứng khoán bởi đến nay không ai có thể chắc chắn cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào.
“Thị trường không chắc chắn về mức độ và thời hạn của các mức thuế này”, ông giải thích. “Ban đầu, mọi người nghĩ rằng đó chỉ là lời lẽ chính trị (của Tổng thống Mỹ Donald Trump) và chúng sẽ không trở thành hiện thực. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư đã ngạc nhiên khi căng thẳng kéo dài và tiếp tục leo thang.”
Tháng trước, việc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khác đã leo thang, dẫn đến một tháng đỏ rực cho các cổ phiếu toàn cầu khi các nhà đầu tư đổ xô đến nơi an toàn. Đặc biệt, các mối đe dọa về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã dấy lên lo ngại rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kéo dài một cuộc chiến thương mại và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.
Những lo ngại này có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ có những biến động lớn trong quý thứ ba, cảnh báo từ giám đốc đầu tư của DBS Bank – Hou Wey Fook.
“Trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu, ai là người chiến thắng? Không ai cả. Nhưng ai là kẻ thua cuộc? Tất cả mọi người”, ông nói. “Nếu bạn có tìm hiểu qua về lịch sử của thị trường tài chính, điều đã kích hoạt cuộc Đại suy thoái chính là chủ nghĩa bảo hộ, vì vậy chúng ta cần theo dõi sát sao và hi vọng cuối cùng sự hợp lý sẽ chiếm ưu thế.”
Trong khi đó, những lo lắng về chiến tranh thương mại được phức tạp hóa bởi các rủi ro kéo dài khác, chẳng hạn như việc tăng lãi suất của Mỹ, cơn bán tháo gần đây trên thị trường mới nổi và các bất ổn về địa – chính trị ở châu Âu, các nhà phân tích cho biết.
“Lãi suất cao hơn đã được đặt nền móng, nhưng với đồng đô la mạnh hơn, các thị trường mới nổi đang bán tháo trong thời gian gần đây. Cho đến nay, chúng dường như là vấn đề riêng của các quốc gia cụ thể, như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Argentina, “ông Chew nói. “Nhưng sự lo lắng của một nguy cơ lan ra rộng hơn vẫn còn đó.”
Trong khi đó, sự tái xuất hiện của các rủi ro về địa – chính trị ở châu Âu cũng đã khuấy động mối lo ngại, ông Hou nói.
Sau các sự kiện rủi ro, chẳng hạn như sự kiện Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) và sự tuyên bố độc lập Catalan, chiến thắng của Phong trào 5 sao và các đảng Liên minh đầu năm nay đã gia tăng những bất ổn trong chính sách ở Ý.
“Thực tế là sẽ có những lời đồn đoán xung quanh việc Italy sẽ rời khỏi EU. Nếu họ thực hiện bước này, nó sẽ rất tệ cho thị trường châu Âu. ”
Tất cả những điều này sẽ kết hợp với sự biến động của thị trường nhiên liệu trong những tháng tới, theo ông Hou, mặc dù ông không nghĩ rằng những tổn thất gần đây đánh dấu sự khởi đầu của một thị trường theo chiều hướng đi xuống.
“Chúng tôi cho rằng thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh và chỉ tiếp tục tăng trở lại một khi mọi thứ ổn định trên những mặt trận này”, ông nói thêm.
Theo Trí thức trẻ/Chanel News Asia