Thuế của Trung Quốc đánh vào đậu nành nhập khẩu không chỉ khiến nông dân Mỹ khốn đốn mà đảng Cộng hòa của ông Trump phải dè chừng.
Dựa vào việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa ông sẵn sàng áp thuế với hơn 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, rất có khả năng Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng cách khiến ngành nông nghiệp Mỹ phải chịu nhiều “đau đớn” hơn, trong đó có biện pháp áp thêm thuế với mặt hàng đậu nành của Mỹ.
Những điểm bầu cử ủng hộ ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 (màu hồng-tím) cũng là những nơi sản xuất phần lớn đậu nành của Mỹ. (Ảnh: Axios)
“Vũ khí” đậu nành của Trung Quốc
Khi đó, chính quyền của ông Trump sẽ chịu thêm nhiều áp lực bởi xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc có vai trò khá quan trọng đối với nền kinh tế số Một thế giới.
Đã có tiền lệ về việc Trung Quốc áp 2 lượt thuế với nông sản Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc đã áp 2 lượt thuế đối với thịt lợn, các loại hạt và hoa quả tươi nhập khẩu từ Mỹ. Đối với thịt lợn, sau khi thuế bổ sung có hiệu lực từ ngày 6/7, lại đến lượt “những loại thịt trắng khác” là đối tượng bị áp thuế nhập khẩu đến hơn 70%.
“Như các bạn thấy, đó là những cách Trung Quốc có thể áp dụng đối với đậu nành Mỹ” – Sam Funk, nhà phân tích kỳ cựu của Rabobank nhận định. Các loại thuế của Trung Quốc đã đánh vào những lĩnh vực bất ổn nhất của nông nghiệp Mỹ, từ ngũ gốc, hạt ép dầu đến gia súc và sản phẩm tươi sống. Trung Quốc cũng áp thuế với cả các mặt hàng như bơ sữa, các loại hạt và rượu.
Trung Quốc thu mua khoảng 2/3 đậu nành xuất khẩu trên toàn thế giới và phần lớn trong số này được sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi cho khoảng 700 triệu con lợn ở nước này hoặc dùng để làm dầu ăn. Đậu nành cũng được dùng để chế biến thức ăn cho gia cầm và hỗ trợ ngành nuôi cá của Trung Quốc.
Nhưng theo ông Funk, người tiêu dùng Trung Quốc cũng chẳng phải chịu thiệt thòi trực tiếp nào nếu Bắc Kinh áp thêm lượt thuế thứ hai đối với đậu nành Mỹ nhờ các biện pháp tăng dự trữ quốc gia và sử dụng nguồn cung trong nước thay thế.
Một bài báo của Bloomberg hồi đầu tháng này trích dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể bồi hoàn cho người mua khoản phí đội lên vì thuế nhập khẩu mới, coi như là mua đậu nành cho dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, thực tế Mỹ không phải là nước cung cấp đậu nành nhiều nhất cho Trung Quốc. “Ngôi vị” đó thuộc về Brazil. Mặc dù có một vấn đề là nguồn hàng từ Brazil thường khan hiếm vào các tháng mùa thu hoặc tháng 12, Trung Quốc vẫn có thể mua dự trữ ngay từ bây giờ. Và thực tế là những tháng gần đây, Trung Quốc sẵn sàng tăng giá chóng mặt đối với đậu nành mua từ Brazil sau khi thuế với Mỹ được công bố.
4 vũ khí cực mạnh giúp Trung Quốc thắng Mỹ trong cuộc chiến thương mại VOV.VN – Bắc Kinh vẫn duy trì chiến thuật đánh thuế ngược lại với Washington nhưng nếu Mỹ lấn tới, Trung Quốc sẽ phải sử dụng những “vũ khí” khác nguy hiểm hơn.
“Trung Quốc sẽ phải mua đậu nành từ đâu đó khác” – ông Funk phỏng đoán, cho rằng có thể Bắc Kinh sẽ mua bằng đường tạm nhập tái xuất qua một nước thứ ba. “Đó có thể vẫn là đậu nành Mỹ những đã cập bến ở nơi nào đó rồi quay đầu đi đến địa điểm mới [ở Trung Quốc – ND] với tư cách xuất phát từ một nơi khác [không phải Mỹ – ND]”.
Nông dân Mỹ khốn đốn
Những người mua Trung Quốc đã bỏ khá nhiều đơn đặt hàng trong vòng vài tháng qua, kể từ khi cuộc chiến thương mại leo thang. Giá đậu nành ở Mỹ đã giảm gần 20% kể từ tháng 4, khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố áp thuế 25% đối với đậu nành Mỹ và bắt đầu thu thuế từ ngày 6/7. Điều này có nghĩa là nhiều nông dân Mỹ bán hết đậu nành cũng chẳng đủ tiền chi trả các hóa đơn chi phí hay các khoản vay ngân hàng.
“Đây là giá thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua” – Brennan Turner, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của doanh nghiệp ngũ cốc FarmLead cho biết. “Nếu Washington và Bắc Kinh không thể đạt được các điều khoản về những vấn đề chính thì đây có thể là thực tế bình thường mới mà chúng tôi phải chấp nhận”.
Theo nhà kinh tế học nông nghiệp của Đại học Iowa, ông Chad Hart, một số nông dân Mỹ vẫn làm ăn thuận lợi và có thể vượt qua “cơn bão” tài chính này một cách khá dễ dàng. Nhưng có những người đã phải vật lộn trước khi cuộc chiến thuế quan này bắt đầu và thêm một lần đánh thuế nữa là họ sẽ mất trắng.
Thu nhập của các nông trại Mỹ đã giảm khoảng 50% kể từ năm 2013 và dự đoán tiếp tục giảm 6,7% trong năm nay (theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc suốt mấy tuần qua liên tục tuyên truyền về việc nước này không còn phụ thuộc vào nguồn đậu nành từ Mỹ ra sao, bao gồm việc các chủ chăn nuôi lợn đang sử dụng các phương pháp cho ăn khác như hạt cotton, bột xương mà không thấy ảnh hưởng đến chất lượng thịt hay giống.
Trung Quốc “đánh” vào những “cứ điểm” của ông Trump?
Các chuyên gia tin rằng có những yếu tố chính trị khiến Bắc Kinh sử dụng đậu nành làm “vũ khí” chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại này.
Trung Quốc mua khoảng nửa số đậu nành của Mỹ, 12,3 tỷ USD trên tổng số 21,5 tỷ USD đậu nành xuất khẩu năm 2017 (Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ) và cứ 3 luống trồng đậu nành trên đất Mỹ thì có 1 luống được trồng cho người Trung Quốc.
Các bang sản xuất đậu nành hàng đầu của Mỹ bao gồm Illinois, Iowa, Minnesota, Nebraska, North Dakota, South Dakota, Indiana, Missouri và Ohio.
Điều đáng nói là ông Trump đã giành chiến thắng ở tất cả các bang trên, trừ Illinois và Minnesota, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Để củng cố lại những khu vực bầu cử quan trọng này, ngày 24/7, Nhà Trắng công bố chương trình trợ cấp 12 tỷ USD cho các nông chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Kansas ngày 24/7, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với các biện pháp áp thuế và vẫn cam kết rằng “nông dân sẽ là những người được hưởng lợi lớn nhất”.
“Chỉ cần kiên nhẫn một chút” – ông Trump động viên. Cuối tuần này, ông Trump sẽ cũng thăm Iowa và Illinois, 2 bang có nhiều nông trại lớn khác, để vận động ủng hộ cho các ứng viên đảng Cộng hòa ở miền Trung Tây nước Mỹ.
Tuy nhiên, biện pháp này lại khiến phe Cộng hòa chia rẽ, giữa một bên là những người ủng hộ kế sách này, và bên kia là những người cảm thấy không hài lòng vì đảng Cộng hòa vốn có truyền thống phản đối những chương trình hỗ trợ diện rộng như thế này từ chính phủ.
Một đảng Cộng hòa chia rẽ và một biện pháp ngắn hạn sẽ khó có thể thuyết phục nông dân Mỹ tiếp tục bỏ phiếu cho những đồng minh của ông Trump trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nỗ lực thúc đẩy việc bán đậu nành sang Liên minh châu Âu (EU). Sau cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 25/7, Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, 2 bên đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng về việc mua đậu nành và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và giảm các rào cản đối với thương mại dịch vụ, hoá chất, dược phẩm và các sản phẩm y tế xuyên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, việc tìm thị trường mới cho một nửa số đậu nành xuất khẩu của Mỹ không phải là chuyện dễ dàng đạt được trong “một sớm một chiều”.
“Không ai sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến thương mại này” – Bret Davis, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội đậu nành Mỹ nhận định. “Chúng tôi chỉ mong là thay vì bị đánh một lượt thuế nữa, chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận tốt hơn cho cả 2 phía”.
VOV