Tilson đang có 1 khoản tiền bị kẹt tại tài khoản ở Goldman Sachs, bởi vì không hoàn trả 68.013 cổ phiếu Lehman mà ông đã vay từ Goldman để thực hiện giao dịch bán khống.
Đã 1 thập kỷ trôi qua kể từ khi Whitney Tilson – người từng là 1 ông chủ quỹ đầu cơ ở New York – kiếm được hàng triệu USD bằng cách đặt cược chống lại Lehman Brothers trước khi ngân hàng này sụp đổ. Tuy nhiên, cho đến nay số tiền ấy vẫn chưa đến tay ông.
Tilson đang có khoảng 170.000 USD bị kẹt tại 1 tài khoản ở Goldman Sachs, bởi vì không hoàn trả 68.013 cổ phiếu Lehman mà ông đã vay từ Goldman để thực hiện giao dịch này.
Các nhà bán khống cổ phiếu Lehman Brothers đã thắng lớn khi đặt cược chống lại cổ phiếu này vài tháng trước khi nó sụp đổ vào tháng 9/2008 – sự kiện thổi bùng lên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng.
Trong giao dịch bán khống, khi 1 nhà đầu tư dự đoán 1 cổ phiếu sẽ lao dốc, họ có thể vay cổ phiếu từ công ty môi giới (mà trong trường hợp này Goldman, tất nhiên là có trả phí) để bán số cổ phiếu này ra thị trường khi giá bắt đầu giảm giảm. Sau đó họ cover hợp đồng bằng cách mua lại cổ phiếu trên thị trường (giờ đã ở mức giá rất thấp) để trả lại cho công ty môi giới và ăn chênh lệch.
Tilson bắt đầu đi vay cổ phiếu Lehman sau khi nghe bài thuyết trình của ông chủ quỹ đầu cơ Greenlight Capital – David Einhorn – vào tháng 11/2007. Theo Einhorn, giá cổ phiếu Lehman (khi đó ở mức hơn 60 USD) là quá cao trong khi ngân hàng này có rất nhiều tài sản xấu.
Đến đầu tháng 9/2008, Tilson bán số cổ phiếu này khi nó rớt xuống mức 17 USD. 1 tuần sau, Lehman nộp đơn xin phá sản và giá cổ phiếu chỉ còn 15 cent.
Tuy nhiên thay vì mua lại cổ phiếu Lehman để trả cho Goldman – hành động sẽ khiến Tilson buộc phải ghi nhận lợi nhuận và đóng 1 khoản thuế lớn, ông quyết định không cover vị thế, nghĩ rằng cuối cùng thì số cổ phiếu Lehman này sẽ bị hủy bỏ.
Nhưng đó không phải là những gì đã diễn ra. Mặc dù đúng là Lehman đã hủy bỏ toàn bộ số cổ phiếu hiện hữu vào tháng 3/2012, ngân hàng này có 1 bước đi bất ngờ trái với thông lệ thường thấy khi phát hành 1 lô cổ phiếu thông thường mới. Các cổ đông cũ giờ đây được sở hữu các cổ phiếu mới theo 1 tỷ lệ nhất định. Theo Tilson, Goldman đang sở hữu 2,5 USD trong mỗi cổ phiếu Lehman mà ngân hàng này đã cho Tilson vay trong trường hợp các cổ đông (thường là những người cuối cùng được trả lại tiền) được bồi thường.
Theo Ihor Dusaniwsky, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty phân tích S3 Partners, thông thường thì khi 1 công ty phá sản, các cổ phiếu sẽ bị hủy và mọi thứ được giàn xếp giải quyết trong quá trình phá sản. Tuy nhiên vụ việc của Lehman bị kéo dài hơn bình thường.
Tilson chỉ nhận ra mình đang mắc kẹt vào tháng 10 năm ngoái, khi ông quyết định đóng cửa quỹ đầu tư của mình, Kase Capital Management.
Tú Anh
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg