(Tổ Quốc) – Nhưng cánh cửa hợp tác và thỏa hiệp vẫn rộng mở.
Trong hai tuần qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ít xuất hiện trước công chúng. Họ lui về khu nghỉ dưỡng ven biển Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 200km về phía đông. Chương trình nghị sự được dự đoán là cuộc đối đầu thương mại với Mỹ và việc xuất hiện những cuộc thảo luận nội bộ khá sôi nổi tại Trung Quốc vượt lên trên những vấn đề kinh tế và thương mại. Chỉ 10 tháng sau Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc.
Văn kiện Đại hội 19 mang lại cảm giác là Trung Quốc xác định tình hình quốc tế tiếp tục ổn định và Trung Quốc vẫn được hưởng “thời kỳ cơ hội chiến lược” như từ năm 2001; Trung Quốc vẫn thẳng tiến tới năm 2035 và thậm chí năm 2049. Các chương trình và lộ trình hoành tráng được xác định: Trung Quốc sẽ tiến vào “trung tâm của vũ đài thế giới” như một quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng cường và hiện đại. Văn kiện đề cao mô hình Trung Quốc “đem đến sự lựa chọn hoàn toàn mới cho các nước và dân tộc…, đóng góp trí tuệ Trung Quốc và phương án Trung Quốc cho việc giải quyết các vấn đề nhân loại”.
Tuy văn kiện Đại hội 19 không nói ra, nhưng dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết đến năm 2030, Trung Quốc sẽ soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chương trình hiện đại hóa quân sự và khoa học công nghệ của Trung Quốc đều lấy Mỹ làm mục tiêu đuổi kịp hoặc “vượt Mỹ”.
Hai tháng sau Đại hội 19, chính quyền Trump cho ra lò bản Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và thêm một tháng nữa công bố Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS), xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ và “quốc gia xét lại” trật tự thế giới (do Mỹ lãnh đạo). Đây là sự phản tỉnh chiến lược của Mỹ.
NSS khẳng định trong mấy thập kỷ vừa rồi, Mỹ đã “nhầm tưởng” khi cho rằng hỗ trợ việc Trung Quốc phát triển kinh tế và hiện đại hóa đất nước thì có thể lôi kéo được Trung Quốc về phía các giá trị phương Tây, thế nhưng, Trung Quốc “muốn hình thành một thế giới chống lại các giá trị và lợi ích của Mỹ…; tìm cách thay thế Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nối dài cánh tay của mô hình kinh tế nhà nước và thay đổi trật tự khu vực theo ý đồ của mình”, v.v…
Mấy tháng sau nữa, Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, mở đầu cho cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung. Khi Trung Quốc đáp trả các đợt áp thuế của Mỹ, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ muốn cắt giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ chơi con bài Đài Loan, tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông, lập Bộ tư lệnh vũ trụ, tăng ngân sách quốc phòng, từ chối không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vòng cung Thái Bình Dương RIMPAC 2018 với lý do Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, ông Trump lên tiếng phê phán Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), khởi động chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, v.v..
Điều đáng kể là Mỹ tập trung đối phó với chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” đề ra năm 2015 với 10 chương trình mũi nhọn công nghệ; Mỹ “cấm vận” các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ và xuất khẩu sản phẩm công nghệ sang Mỹ, ngăn chặn làm ăn với khoảng 1.000 công ty Mỹ sở hữu công nghệ nhạy cảm; hạn chế sinh viên, thực tập sinh Trung Quốc học những ngành công nghệ Mỹ; thậm chí, nhìn đâu cũng thấy “gián điệp”, khi ông Trump tuyên bố “tất cả sinh viên Trung Quốc đều làm gián điệp”(!). Các nước phương Tây khác cũng từ từ triển khai chính sách đối phó với “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.
Mấy tuần gần đây, giới nghiên cứu chiến lược Trung Quốc chợt nhận ra, với chính quyền Trump, đối đầu thương mại là cái vỏ, kiềm chế Trung Quốc mới là cốt lõi.
Cuộc vận động kinh tế tại Trung Quốc 40 năm qua là tất yếu lịch sử; mọi quốc gia muốn phát triển đều cần “nội yên, ngoại tĩnh”. Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc là nhờ nước này phát huy được “thời cơ chiến lược”, khai thác xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa kinh tế thương mại, thực hiện hội nhập quốc tế thành công.
Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không phải là đối tác quan trọng nhất của Mỹ. Việc Mỹ xác định Trung Quốc là “địch” dẫn tới quan niệm mới “hợp tác khi cần thiết, cạnh tranh là tất yếu”, như lời John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ. Quan hệ Trung-Mỹ sẽ trở nên phức tạp. Cặp quan hệ này có thể cài đặt lại một bộ phận chính yếu của hệ thống quốc tế. Mỹ khó đẩy lùi tiến trình phát triển của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đang xác định cách thức hạn chế mặt tiêu cực, làm dịu cuộc xung đột với Mỹ.
Chính quyền Mỹ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc đối đầu này và có thể làm được gì trong chủ trương kiềm chế Trung Quốc? Đó là điều giới chính trị quốc tế đang phân tích, nghiên cứu./.
./.