Các cuộc đàm phán ở Washington trong tuần trước thu được rất ít kết quả để có thể dẫn đến một “thỏa thuận ngừng bắn” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sau một mùa hè dài nóng bỏng bận rộn cân nhắc các rủi ro và “bắn đi những phát súng cảnh cáo”, phe diều hâu trong nội các của Tổng thống Donald Trump đã giành được thế thượng phong và họ đang chuẩn bị tung ra một đợt tấn công mới.
Các cuộc đàm phán ở Washington trong tuần trước thu được rất ít kết quả để có thể dẫn đến một “thỏa thuận ngừng bắn” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thay vào đó Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định lại kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng kiên quyết sẽ đáp trả.
“Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến thương mại leo thang trong vài tháng tới”, David Dollar – người đang công tác tại Viện Brookings và từng là quan chức cấp cao nhất của Bộ Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề Trung Quốc trong nội các của cựu Tổng thống Obama – nhận định.
Chiến thắng của phe diều hâu
Ngay cả trước khi các cuộc đàm phán tuần trước diễn ra, giới phân tích cũng đã dự đoán được kết quả không mấy khả quan vì có quá nhiều dấu hiệu rõ ràng. Cách đây mấy tháng, Tổng thống Trump công khai gạt bỏ ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và đi ngược lại với cam kết mà ông Mnuchin đã đạt được với Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu He.
Tuần trước, khi hai bên đang đàm phán, Mỹ áp thuế thêm 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Với sự đáp trả của Bắc Kinh, tổng giá trị lượng hàng hóa bị ảnh hưởng của cả hai bên đã lên tới 100 tỷ USD. Con số chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên.
Cũng trong tuần trước, Tổng thống Trump áp đặt thêm các giới hạn đối với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.
“Chúng ta chưa tập trung đủ vào Trung Quốc, và điều đó đã kéo dài quá lâu rồi”, ông Trump nói với các nhà lập pháp tập trung tại Nhà Trắng hôm 23/8 để kỷ niệm thông qua đạo luật trao thêm quyền lực cho Ủy ban đầu tư nước ngoài. Theo đó, cơ quan này có thể chặn đứng các vụ sáp nhập với lý do an ninh quốc gia.
Một ngày sau đó, 24/8, chính quyền Trump đón tiếp các quan chức châu Âu và Nhật Bản tới Washington thảo luận về việc gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi cách hành xử trong vấn đề thương mại.
Sự chuyển dịch lớn
Tất cả những dấu hiệu này được giới phân tích đánh giá là 1 chiến thắng cho phe có thái độ đối đầu với Trung Quốc trong nội các của ông Trump, trong cuộc tranh luận về cách giải quyết đối thủ chiến lược lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo nhận định của Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu CSIS (Washington), chiến thắng này được thể hiện trong cách mà các yêu cầu từ phía Mỹ biến đổi trong vài tuần trở lại đây.
Khi ông Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đảm nhiệm sứ mệnh tới Bắc Kinh đàm phán hồi đầu năm nay, một trong những ưu tiên hàng đầu là đảm bảo Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu đậu tương, khí hóa lỏng và một số hàng hóa khác từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại song phương – thứ luôn là nỗi ám ảnh đối với Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, giờ đây mục tiêu của chính quyền Trump đã tăng lên đáng kể. Mỹ yêu cầu Trung Quốc thực hiện nhiều thay đổi mang tính dài hạn trong cấu trúc nền kinh tế – ví dụ như chấm dứt trợ cấp công nghiệp và ăn cắp sở hữu trí tuệ. Đó là những yêu cầu mà những người thuộc phe diều hâu như trưởng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn thương mại Peter Navarro luôn chú trọng và có vẻ như họ đã đạt được mục đích.
Nhưng điều đó không có nghĩa là trận chiến thương mại trong nội bộ Nhà Trắng đã chấm dứt, bởi phe diều hâu còn có chương trình nghị sự ẩn chứa nhiều tham vọng hơn: về dài hạn sẽ tháo mọi nút thắt đang ràng buộc 2 nền kinh tế Mỹ – Trung và mang chuỗi cung ứng [từ châu Á] quay trở lại Mỹ.
Người Mỹ nghĩ gì?
Chad Bown, chuyên gia thương mại tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng chưa thể chắc chắn về kết quả cuối cùng của cuộc chiến này.
Tại Mỹ, tâm lý lo ngại đang ngày càng tăng lên trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Một nhóm đông đảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lên tiếng phàn nàn về làn sóng thuế quan tiếp theo, trong đó khoảng 6.000 sản phẩm từ thủy hải sản đến những chiếc xe đạp sẽ bị ảnh hưởng.
Bown đã nhìn thấy những ảnh hưởng đầu tiên của chiến tranh thương mại đến các hộ gia đình Mỹ. Thuế quan sắp khiến chiếc mền làm bằng vải quilt của mẹ ông trở nên đắt đỏ hơn. Và có rất nhiều người như mẹ ông.
Những số liệu vượt trội cho thấy 1 nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh đang giúp cho Tổng thống Trump có dư địa để đẩy căng thẳng thương mại lên cao. Các doanh nghiệp có thể phàn nàn về thuế quan nhưng họ vẫn đang được hưởng lợi lớn từ chính sách cắt giảm thuế khổng lồ. Dollar, chuyên gia phân tích của Viện Brookings, cho rằng phải đến năm 2019 mới có thể thực sự cảm nhận những tác động kinh tế của chính sách thương mại mà Tổng thống Trump đang theo đổi.
Cục dự trữ liên bang Mỹ trong biên bản cuộc họp mới nhất đã chỉ điểm chiến tranh thương mại hiện là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế, nhưng dường như rủi ro ấy vẫn ở xa tận chân trời. Phát biểu hôm 24/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell dự đoán rằng sẽ có “tăng trưởng mạnh” đồng hành với lãi suất tăng lên từ từ. Ông hoàn toàn không đề cập đến thương mại.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg