VDSC cho rằng, việc thặng dư thương mại lập kỷ lục tạo triển vọng tích cực cho cán cân vãng lai, từ đó củng cố khả năng chống chọi của Việt Nam trước các rủi ro bên ngoài.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, điều này làm tăng kỳ vọng về bức tranh cán cân vãng lai tích cực trong quý 3 năm 2018 và nâng cao khả năng kháng cự của Việt Nam đối với những chấn động bên ngoài. Hoạt động giao thương tăng trưởng mạnh trở lại cũng trùng với thời điểm hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước hồi phục.
Trong tháng 8, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, trái ngược với dự báo thâm hụt 100 triệu USD của Tổng cục Thống kê. Trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước, nhập khẩu chỉ ở mức 21,3 tỷ USD, tăng 1,6% so với tháng trước. Trong 8 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại đạt 4,7 tỷ USD, là kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.
Chuyên gia của VDSC dẫn 3 nguyên nhân để lý giải cho điều này.
Thứ nhất, Việt Nam vẫn đã được hưởng lợi từ hoạt động sản xuất của những tập đoàn công nghệ hàng đầu, đặc biệt là Samsung. Xuất khẩu hàng điện tử và các sản phẩm liên quan hồi phục mạnh trong tháng 8 qua đó đẩy doanh thu xuất khẩu tăng mạnh. Ví dụ, tại tỉnh Bắc Ninh, hoạt động sản xuất công nghiệp của nhà máy Samsung Electronics và Samsung Display đã tăng tốc mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ở tỉnh này, trong tháng 8, tăng 41,3% so với tháng trước và tăng 26,9% so với cùng kỳ.
Thứ hai, các nhà xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đang có một năm thuận lợi với các mặt hàng chủ chốt như gạo, thủy sản và hoa quả.
Và cuối cùng, sản xuất trong nước đang dần thay thế hàng hóa nhập khẩu.
Triển vọng của cân vãng lai trở nên tích cực hơn sẽ củng cố khả năng chống chọi của Việt Nam trước các rủi ro bên ngoài. Theo VDSC, điều đó cũng dựng lên một “bức tường lửa” chống lại một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất hiện nay, hiệu ứng lan tỏa từ sự phá giá của hàng loạt đồng tiền mới nổi. Các chỉ số vĩ mô tích cực như vậy có khả năng xoa dịu tâm lý lo sợ của nhà đầu tư và phần nào giải thích sự ổn định của VNĐ kể từ giữa tháng Tám.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn hiện hữu. Mặc dù chỉ số US Dollar đang giao dịch quanh mức 95, cổ phiếu Trung Quốc đã giảm mạnh khiến chúng ta nhớ đến năm 2015 khi chỉ số Shanghai Composite giảm 50% chỉ trong 2 tháng và đồng Nhân dân tệ giảm 3% so với đầu năm ngay lập tức.
“Không có gì bàn cãi khi khẳng định sự liên kết chặt chẽ giữa nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam khi quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta. Đồng nhân dân tệ cũng nằm trong rổ tám loại tiền tệ được sử dụng để tính toán giá trị của VND. Tuy nhiên. chúng tôi vẫn cho rằng VND sẽ mất giá tối đa 3% trong năm nay. Hiện nay, VND đã mất giá khoảng 2,6%”, VDSC nhận định.
Theo Trí thức trẻ