Ngày càng có nhiều công ty công nghệ Trung Quốc chuyển thành công ty đại chúng nhờ vào các nguồn vốn đầu tư lớn của Alibaba và Tencent.
Phụ thuộc
Nhưng sự hào phóng của các ông lớn này cũng có cái giá của nó. Nghiên cứu kỹ lại hồ sơ về các lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty Trung Quốc cho thấy mặc dù các công ty này được hưởng lợi nhờ vào nguồn tiền mặt và khách hàng mà Alibaba và Tencent cung cấp, các thỏa thuận này cũng có thể giống như một cái bẫy.
Các thỏa thuận này mang lại cho Alibaba và Tencent quyền lực vượt trội thông qua các ghế trong hội đồng quản trị và quyền phủ quyết; cùng với đó là các xung đột về lợi ích trong việc thuê mướn, sáp nhập và thâu tóm, và các quyết định chiến lược khác. Những quyền lợi này làm sự phụ thuộc của các công ty khởi nghiệp vào các công ty lớn tăng đến một mức mang tính sống còn cho các công ty khởi nghiệp này.
Quyền lực của Alibaba, Tencent và Baidu trong việc “quyết định công ty nào sẽ thành công hay thất bại tại thị trường tiêu dùng và doanh nghiệp rộng lớn của Trung Quốc đã lớn vượt mức và chưa từng có tiền lệ”, một báo cáo đầu tư của Henry McVey và Frances Lim của công ty đầu tư tài chính toàn cầu KKR & Co có đoạn viết.
Và thực sự, các gã khổng lồ Trung Quốc này vẫn chưa thực sự bộc lộ hết mức độ ảnh hưởng của họ. Trong một số trường hợp, khoản tiền mặt đầu tư của họ còn không gây ảnh hưởng bằng khả năng định hướng khách hàng đối với các công ty khởi nghiệp, thông qua khả năng tiếp cận đến một số lượng người dùng khổng lồ.
Các công ty được Alibaba (Màu vàng), Tencent (màu xanh) Ant Financial (màu trắng) tài trợ. |
Tính tổng cộng, Alibaba và Tencent đã chi tiền cho 45% trong số 77 công ty khởi nghiệp Trung Quốc được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Hai công ty siêu lớn này tổng cộng có hơn 60 tỷ USD tiền mặt và đã dùng nguồn tài nguyên khổng lồ của mình để cấp vốn cho các dự án sáng tạo và trở thành quán quân trong ngành công nghệ Trung Quốc.
Nhưng ông Xu Chenggang, một giáo sư kinh tế học tại trường Kinh tế Trường Giang đã cảnh báo các nhà đầu tư nên cẩn thận khi nghĩ rằng các công ty được hậu thuẫn bởi Alibaba và Tencent là một địa chỉ đầu tư giá trị. Ông Xu cho rằng các công ty này có rất nhiều tiền mặt để đầu tư, nên thật khó để biết họ có cẩn thận với các khoản đầu tư của mình hay không.
Pinduoduo (PDD) có thể sẽ không tồn tại nếu không có nền tảng ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat của Tencent. Ứng dụng nhắn tin của Tencent đã giúp PDD thu hút 334 triệu người dùng, những người dùng này sẽ được giảm giá nếu đánh dấu giới thiệu các sản phẩm cho bạn của mình. Trong hồ sơ IPO của mình, PDD cũng đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cắt đứt với Tencent, vốn đang sở hữu 17% công ty.
Những hệ lụy
Khi các nhà lãnh đạo bất đồng với các nhà tài trợ lớn, công ty khởi nghiệp đó thường sẽ gặp nguy cơ. Meituan Dianping xem Tencent là một cổ đông lớn (sở hữu 20% công ty, so với người sáng lập công ty là Vương Hưng chỉ sở hữu 11%), và công ty này dùng ứng dụng nhắn tin của Tencent để thu hút sự chú ý đến các dịch vụ của mình như đặt nhà hàng, giao thực phẩm và các dịch vụ khác. Công ty này cũng cho biết nếu không thể duy trì quan hệ với Tencent, việc kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
|
|
Doanh thu và lợi nhuận các công ty công nghệ Trung Quốc. |
Khi Sogou, dịch vụ tìm kiếm lớn thứ hai Trung Quốc lên sàn giao dịch hồi năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã yêu cầu Sogou phải công bố rõ hơn về quan hệ của công ty này với Tencent. Sau đó, Sogou đã cảnh báo các nhà đầu tư về ảnh hưởng có thể xảy ra nếu Sogou mất vai trò là dịch vụ tìm kiếm mặc định trên WeChat và các nền tảng khác của Tencent, vốn chiếm tới 36% lưu lượng sử dụng của Sogou.
China Literature, công ty con phái sinh chuyên về e-book của Tencent, đã cảnh báo các nhà đầu tư là Tencent sở hữu 53% công ty nên trong các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh có thể được quyết định theo hướng có lợi cho Tencent, và có thể sẽ không đồng nhất với lợi ích của công ty hoặc của các cổ đông khác.
So với Alibaba, Tencent đã theo đuổi IPO của các công ty đầu tư nhiều hơn. Đó là vì chiến lược phát triển của Tencent dựa vào kiếm tiền từ 1 tỷ tài khoản WeChat, những tài khoản này không thể tự sinh ra lợi nhuận được. Tencent chủ yếu cho các công ty khác tiếp cận đến người dùng của các ứng dụng của mình, đổi lại là phí quảng cáo hoặc các chi phí khác.
Tencent cũng mua lại một số công ty có liên quan đến mảng kinh doanh chính của mình, vì dụ như công ty phát triển game Supercell Oy của Thụy Điển, nhưng đa số trường hợp công ty này không muốn điều hành các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ mà chỉ muốn một phần trong lợi nhuận mà thôi.
Ngược lại, việc kinh doanh trực tuyến của Alibaba lại phát triển dựa vào lưu lượng giao dịch từ bên ngoài. Đó là một phần lý do vì sao Alibaba thường mua lại và sát nhập các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhìn lại điều lệ gọi cổ phần của công ty chuyển phát ZTO Express Cayman hồi năm 2016, ta có thể thấy bóng dáng rất lớn của Alibaba.
Cùng năm đó, ZTO đã cảnh báo các nhà đầu tư là 75% lượng bưu kiện mà ZTO chuyển phát là từ Alibaba, công ty này cũng cho biết phục vụ cho các đối tác của Alibaba “có thể làm tăng chi phí kinh doanh, giảm sự kết nối với người dùng cuối, hoặc thậm chí làm gián đoạn mô hình kinh doanh hiện nay của chúng ta”.
Tất cả những điều trên cho thấy quyền lực đang lên của các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, và việc tránh khỏi ảnh hưởng của các công ty này là việc bất khả thi.