Công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng ở TP.HCM đang tạo ra các phản ứng trái chiều. Nhiều người cho rằng, cần nhà hát nhưng không phải bây giờ, hãy giải quyết trước chống ngập, kẹt xe, quá tải bệnh viện…
Công trình Nhà hát nằm ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư. Quyết định này gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Thời điểm chưa phù hợp
Bạn Võ Xuân Phong thẳng thắn chỉ ra: ‘Trong tương lai TP.HCM cũng cần có một nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với kinh phí 1.500 tỷ đồng vào thời điểm này là chưa phù hợp, nhất là khi TP còn nhiều việc cấp thiết, cần tiền nhưng chưa giải quyết xong’.
Khu đất dự kiến xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch nằm ở trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM). Ảnh: Như Sỹ
Đồng quan điểm, bạn Đinh Hữu Chính bày tỏ, hoàn toàn đồng ý với việc xây nhà hát tầm cỡ, nhưng chưa phải thời điểm này.
Điều bạn đọc này ‘thấy tiếc’ cho TP chính là thời điểm công bố thông tin. Nếu trước khi thông qua chủ trương, TP lấy ý kiến nhân dân, từ đó có quyết định, tránh tình trạng phản ứng tiêu cực.
Bạn Thanh Đức đồng quan điểm, nhưng chi tiết hơn khi cho rằng, nếu có 1.500 tỷ đồng từ bán đấu giá đất công, TP nên ưu tiên vốn cho công trình chống ngập và các công trình phục vụ dân sinh cấp thiết khác.
Bạn Trần Đăng Ẩn nêu: ‘Đất nước và người dân TP còn nghèo, trường học, bệnh viện còn thiếu thốn. Vì vậy, cần lo những nhu cầu cơ bản bức thiết của người dân rồi hãy nói đến nhu cầu tinh thần’.
Về khía cạnh thẩm thấu được loại hình âm nhạc như tên gọi của nhà hát là giao hưởng và nhạc vũ kịch, nhiều bạn đọc e rằng có rất ít người nghe, xem.
Bạn Phan Ngọc Thạch phân tích: ‘Nhạc giao hưởng và vũ kịch ngày nay rất ít người xem. Ở Hà Nội có vé mời mới đi xem, mà nhiều người vẫn bỏ vé. Nay xây một nhà hát tốn 1.500 tỷ thì một năm sáng đèn được mấy đêm?’
Theo bạn Thạch, xây nhà hát không cần to, mà chỉ như Nhà hát lớn Hà Nội, vì thể loại nhạc này phải nghe trực tiếp, không dùng hệ thống tăng âm.
‘Trong hoàn cảnh hiện nay, Nhạc giao hưởng diễn ở Nhà hát thành phố là được rồi’, bạn Thạch viết.
Bạn ngocnam cũng nêu quan điểm: ‘Hơn 90 triệu dân Việt Nam may ra có khoảng 2.000 người nghe giao hưởng, chủ yếu là giới nhạc sỹ hoặc người chơi nhạc giao hưởng. Tôi nay 40 tuổi và chưa từng gặp 1 người từ trẻ đến già nói về giao hưởng. Còn Giám đốc nhà hát Giao hưởng thì tất nhiên là ủng hộ xây rồi!’.
‘Cần tiền cho những việc cấp thiết hơn’
Nhiều bạn đọc ủng hộ việc dừng xây dựng nhà hát nhạc giao hưởng mà hãy tập trung chống ngập, kẹt xe…
Bạn Luân Võ Tá viết: ‘Tôi là công dân TP, cá nhân tôi thấy chưa cần thiết và chưa có nhu cầu sử dụng nhà hát này, cái người dân đang phải đối mặt là những thứ khác thiết yếu hơn’.
Bạn Đoàn thế Hoạch cũng bày tỏ, chỉ xây nhà hát khi công trình chống ngập hoàn thành.
Con đường nhỏ bên trong khu đất dự định xây nhà hát ngập nước do triều cường dâng cao. Ảnh: Như Sỹ
‘Rất mong xem xét hoãn đầu tư nhà hát, vì còn nhiều việc cần quan tâm hơn, đồng thời Thủ Thiêm chưa thể là 1 đô thị văn minh ngay trong lúc này’, bạn đọc tên Bình viết.
Rất nhiều bạn đọc cho rằng, HĐND TP cần lắng nghe ý kiến của đại đa số người dân TP về việc xây dựng nhà hát, để đánh giá sự đồng thuận đối với vấn đề này.
Bày tỏ ý kiến của mình, bạn Trần Sỹ Thi viết 2 câu thơ: ‘Mỗi lần mưa về, phố đã thành sông/Xây nhà hát lớn, ai trông, ai nhìn’.
‘Liệu có ai muốn đến xem hát mà ở đó hạ tầng chưa phát triển, đường xá ngập úng lầy lội, nắng bụi mưa bùn?’, lời bạn Phạm Hiếu.
Trước đó, trao đổi với báo VietNamNet, nhạc trưởng Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM cho hay, có một số người lập luận về sự phung phí, lãng phí… nhưng đây là sự nhầm lẫn, bởi đây là những giá trị văn hóa, không phải giá trị kinh doanh.
“Trong thiết kế đô thị thì phải có hạng mục nhà hát, cũng giống như cuộc sống có vật chất và tinh thần” – ông nhận định.
Theo ông Thạch, ngay từ bây giờ chứ không cần tới lúc nhà hát mới được xây, khán giá của loại hình này đang phát triển rất tốt, trong đó có giới trẻ.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng bày tỏ, rất ủng hộ quyết định này với điều kiện nhà hát được làm đúng tầm và có tâm.
Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, quan điểm cá nhân ông không phản đối, nhưng xây dựng trong thời điểm hiện nay là không phù hợp.
Vị chuyên gia quy hoạch cho rằng, TP đã quá nóng vội khi thông qua chủ trương này. Hiện công năng, hiệu quả của nhiều nhà hát tại TP vẫn chưa khai thác hết và các công trình xuống cấp có thể cải tạo, nâng cấp được.
Đ.Bảo / vietnamnet.vn