Chiến tranh thương mại, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và hơn hết là đồng bạc xanh mạnh chính là nguyên nhân khiến đồng NDT vẫn trên đà sụt giảm.
Đồng NDT trượt giá sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) thiết lập tỷ lệ tham chiếu thấp hơn dự kiến, trong khi đó Mỹ thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ dòng di chuyển của tiền tệ sau bản báo cáo về việc thao túng tỷ giá được công bố vào tuần trước.
Đồng NDT giao dịch ngoài lục địa đã giảm 0,41% xuống còn 6,9066 đổi 1 USD và giao dịch trong lục địa cũng giảm 0,17% lúc 10 giờ 38 tại Thượng Hải. Theo khảo sát của các nhà phân tích, các nhà giao dịch và Bloomberg, PBOC đã giảm mức điều chỉnh vào phiên giao dịch thứ 9, và điều chỉnh nhiều hơn so với dự kiến. Tất cả các đồng tiền tệ ở châu Á khác đều yếu hơn so với đồng USD, ngoại trừ đồng yên Nhật.
Việc điều chỉnh cho thấy “PBOC không lo ngại đến áp lực khấu hao đồng NDT”, khi dòng vốn ra bị chặn lại, Tommy Xie, một kinh tế gia đến từ Oversea-Chinese Banking tại Singapore, cho hay. “Các nhà đầu tư vẫn muốn mua đồng USD hơn, khi đồng NDT vẫn trên đà sụt giảm cùng những căng thẳng của cuộc chiến thương mại, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc và các chính sách nới lỏng tiền tệ.”
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã được các nhân viên báo cáo rằng Trung Quốc không hề thao túng đồng NDT. Điều này có thể giảm bớt nỗi lo trước khi báo cáo về tiền tệ của các đối tác thương mại hai lần 1 năm sẽ được công bố vào tuần tới. Mnuchin từ chối bình luận về bản báo cáo này và cho biết rằng họ muốn đảm bảo rằng đồng NDT không được sử dụng như một công cụ nhằm phá giá cạnh tranh.
NDT là một trong những đồng tiền tệ yếu nhất thế giới trong năm nay, giảm khoảng 9% so với đồng USD trong vòng 6 tháng trở lại đây. Mốc tâm lý 7 NDT/USD đang được chú ý với ý kiến của các nhà môi giới Merrill Lynch gần đây cho rằng, họ kỳ vọng NDT sẽ tụt xuống mức này trong vòng vài tháng tới với sự cân nhắc về chiến tranh thương mại và chính sách phân tán tiền tệ của nước Mỹ.
Tại cuộc họp thường niên của các chủ tịch ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính ở Bali, Indonesia tuần này, Giám đốc IMF – Christine Lagarde nói rằng đồng USD mạnh là nguyên nhân chính khiến đồng NDT suy yếu.