Khi tình hình chính trị ở Venezuela tiếp tục biến động, tổng thống Nicolas Maduro đã lên tiếng cáo buộc Mỹ có âm mưu “giật dây” một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền của ông.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 27/1, ông Maduro cũng cáo buộc Juan Guaido – tổng thống lâm thời tự xưng và là lãnh đạo Quốc hội của phe đối lập – tội vi phạm “hiến pháp và luật pháp”. Ngoài ra, ông Maduro khẳng định tòa án Venezuela sẽ phụ trách xét xử ông Guaido.
“Tôi không phải Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đó là công việc của cơ quan hành pháp, tòa án sẽ quyết định bước tiếp theo. Mọi thứ đều phải tuân thủ hệ thống pháp luật,” ông Maduro trả lời CNN.
Được biết, ông Juan Guaido đã tự tuyên bố là tổng thống lâm thời của Venezuela vào hồi tuần trước giữa lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra trên khắp cả nước. Ông Guaido nói ông Maduro đã thắng bầu cử nhiệm kì thứ 2 một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ông Maduro cho rằng Venezuela là “nạn nhân của thuyết âm mưu Mỹ”, nhắc tới việc Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã từng hứa hẹn ủng hộ ông Guaido tuyệt đối trước ngày ông này tự xưng là lãnh đạo mới của Venezuela.
Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post vào ngày 27/1, ông Guaido nói phe đối lập Venezuela đang có cuộc đàm phán với quân đội và các quan chức chính phủ để buộc ông Maduro từ chức.
“Đây là vấn đề nhạy cảm liên quan tới an ninh cá nhân. Chúng tôi đang gặp mặt quân đội, nhưng trong bí mật,” ông Guaido nói.
Tối hậu thư
Hôm 26/1, các quan chức từ Anh, Tây Ban Nha, Đức và Pháp đã gửi một thông điệp tới ông Maduro rằng Venezuela sẽ phải tổ chức bầu cử lại trong vòng 8 ngày hoặc ông Guaido sẽ được các nước nói trên công nhận làm “tổng thống chính thức”.
Trả lời CNN, ông Maduro nói Venezuela gần đây đã tổ chức nhiều cuộc bầu cử – bao gồm cuộc bầu cử tổng thống vào hồi tháng 5 (mà Mỹ và một số quốc gia Mỹ La tinh không công nhận là hợp pháp) – và các nước châu Âu nên thu hồi yêu cầu nói trên.
“Không ai được phép đặt ra tối hậu thư cho chúng tôi. Châu Âu đang cúi đầu trước ông Donald Trump. Đơn giản là như vậy, đặc biệt khi vấn đề liên quan tới Venezuela.”
Tổng thống Maduro cho biết ông đã gửi nhiều thông điệp cho tổng thống Trump nhưng chưa nhận được bất kì lời hồi âm nào.
“Tôi nghĩ ông Trump đang phải đương đầu với quá nhiều vấn đề nội bộ. Tôi nghĩ ông ta coi thường chúng tôi. Ông ta còn coi thường cả Châu Mỹ và vùng Caribbean. Tôi nghĩ ông ta coi thường cả thế giới,” ông Maduro nói.
“Đây là lý do cho việc đảo chính. Họ [Mỹ] không muốn chúng tôi trở nên tốt đẹp hơn. Họ phá hoại và tìm cách hủy diệt hệ thống kinh tế của Venezuela,” ông Maduro tuyên bố.
Mặc dù tỏ ra cứng rắn với những “thế lực bên ngoài” đứng đằng sau biến cố chính trị, ông Maduro cho biết ông sẵn sàng đối thoại với phe đối lập.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa lời nói dối của Mỹ ra ánh sáng, và tôi khuyến khích đối thoại cấp quốc gia. Tôi sẵn sàng nói chuyện với phe chính trị đối lập, với truyền thông của phe đối lập. Tôi nghĩ đàm phán cần được ưu tiên trên hết. Tôi tin vào đàm phán”.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Guaido nói sẽ cân nhắc tới lệnh ân xá cho Maduro và đồng minh nếu những người này không làm tổn hại tới “quyền lực tổng thống tạm thời” của ông.
Diễn biến mới tại Venezuela
Cùng lúc, trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc giục các nước thành viên ủng hộ “chính phủ của ông Guaido”.
“Các quốc gia phải ủng hộ tổng thống lâm thời hợp pháp của người dân Venezuela,” ông Pompeo nói.
Sau tuyên bố nói trên, ông Maduro phản pháo: “Sức mạnh Mỹ đang suy giảm và sắp đi đến hồi kết. Tôi thấy một Ngoại trưởng Mỹ tuyệt vọng và đầy thù địch. Ông ta có những phát ngôn thù địch, ủng hộ chiến tranh.
Tôi không nghĩ ông ta là một nhà ngoại giao chân chính. Họ [Mỹ] nghĩ có thể kiểm soát thế giới chỉ bằng những lời gào thét. Một lần nữa, Venezuela sẽ vượt qua được biến cố, và không thế lực nào có thể hủy hoại luân lý của người dân Venezuela.”
Cả hai lãnh đạo đều kêu gọi sự hỗ trợ của quân đội. Đây được cho là tổ chức duy nhất có thể gia tăng áp lực cho cuộc bầu cử mới. Ông Maduro đã kêu gọi đoàn kết, và nói quân đội cần phải “trung thành hơn với nhân dân, với đất nước và với chính phủ”.
Trong khi đó, ông Guaido nói Quốc hội đã soạn thảo dự luật ân xá để bảo vệ tất cả những binh sĩ từ chối phục vụ chính quyền ông Maduro.
“Đây không phải là lúc để sợ hãi. Đây không phải là lúc để rút lui. Đây cũng không phải là lúc thể hiện sự thiếu tôn trọng với người dân Venezuela,” ông Guaido nói.
Được biết, dự luật ân xá của Quốc hội Venezuela sẽ ân xá cho tất cả các công dân, chính trị gia, quan chức chính phủ và quân đội với tội danh và hành vi vi hiến trong thời kì cầm quyền của ông Maduro và chính phủ tiền nhiệm của ông Hugo Chavez. Cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật sẽ được tiến hành vào ngày 29/1.
Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội Venezuela khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ ông Maduro.
Trả lời CNN, ông Maduro nói ông Guaido là “con rối chính trị của Mỹ”.
Cuộc chiến ngoại giao
Hôm 24/1, chính phủ Venezuela ra lệnh rằng nhân viên ngoại giao Mỹ có 72 giờ để rời khỏi Venezuela.
Nhưng ông Pompeo cho biết Mỹ không thừa nhận quyền trục xuất của ông Maduro, và ông Guaido đã kêu gọi các nhà ngoại giao Venezuela tiếp tục ở lại Mỹ.
Ông Pompeo cảnh báo ông Maduro đừng thử thách khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ công dân nước này.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton viết trên Twitter: “Bất kì hành vi bạo lực và đe dọa nào nhằm vào các nhân sự ngoại giao của Mỹ, lãnh đạo Venezuela Juan Guaido hay Quốc hội Venezuela đều thể hiện sự xâm phạm nghiêm trọng đối với luật pháp và sẽ bị trừng trị thích đáng”.
Ngày 27/1, ông Maduro tuyên bố: “Họ [nhân viên ngoại giao Mỹ] đã rời khỏi Venezuela”.
Tuy nhiên, ông Maduro vẫn cho phép một nhóm nhỏ ở lại để đại diện Mỹ trong cuộc đàm phán tuân thủ theo các quy tắc trong mối quan hệ ngoại giao.
“Họ sẽ được bảo vệ đầy đủ,” ông Maduro nói.
Đại sứ quán Mỹ tại Venezuela đã đưa ra cảnh báo an ninh rằng cơ quan này không đủ thẩm quyền để bảo vệ khẩn cấp cư dân Mỹ và những người Mỹ tại đây “rất nên cân nhắc tới việc rời khỏi Venezuela”.
theo Trí Thức Trẻ