Huawei Technologies đang yêu cầu nhà cung cấp chuyển một phần sản xuất sang Trung Quốc để chuẩn bị ứng phó với việc phía Mỹ hạn chế Huawei tiếp cận với công nghệ Mỹ, công ty Trung Quốc này có thể mất đi một phần quan trọng đóng góp vào công việc kinh doanh của công ty này.
Theo Nikkei, động thái trên của Huawei được đưa ra khi mà các công tố viên Mỹ thông báo về những cáo buộc chống lại Huawei và các công ty liên quan trong ngày thứ Hai. Phía Mỹ cáo buộc công ty đã gian dối các ngân hàng, vi phạm quy định trừng phạt của Mỹ chống lại Iran và ăn cắp bí mật thương mại.
Giờ đây khi cả công ty đã bị truy tố chứ không phải riêng cá nhân hay nhà quản lý nào, sự quan tâm của công chúng hướng đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có áp dụng lệnh cấm toàn diện với việc bán các sản phẩm bán dẫn quan trọng cũng như nhiều linh kiện sản xuất khác sản xuất tại Mỹ cho Huawei.
Huawei, công ty viễn thông lớn nhất thế giới và là công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2, đang đặt mục tiêu giảm thiểu rủi ro. Công ty đã thông báo với các nhà cung cấp ví như ASE Technology Holding và King Yuan Electronics rằng công ty muốn chuyển sản xuất sang Trung Quốc đại lục.
Huawei đã có các cuộc đối thoại với Taiwan Semiconductor Manufacturing – công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới về việc chuyển hoạt động sản xuất chip sang thành phố Nam Kinh, Trung Quốc.
Một lệnh cấm tương tự mà phía Washington ban bố vào năm ngoái chống lại ZTE đã khiến cho công ty này suýt sụp đổ cho đến khi có được thỏa thuận với Washington. Sự tồn tại của công ty sản xuất chip Fujian Jinhua cũng bị đặt vào vòng nghi vấn sau khi công ty này bị cấm mua thiết bị Mỹ.
Nhiều nhà cung cấp châu Á từng hy vọng vào khả năng Huawei sẽ trở thành khách hàng lớn nhất trong năm 2019 khi mà thị trường điện thoại thông minh thế giới rơi vào tình trạng bão hòa, thế nhưng những giả thuyết trên giờ đã không còn có thể trở thành hiện thực.
Huawei đã trở thành khách hàng chính của nhiều nhà cung cấp cho Apple ví như TSMC, Hon Hai Precision Industry, hãng sản xuất thấu kính Largan Precision và công ty chip Mỹ Micron Technology.
Nguồn:baomoi.com