Khác với xu hướng đua lãi suất huy động trước Tết Nguyên đán, mở hàng năm mới, diễn biến lãi suất trên thị trường đã có những chuyển động trái chiều.
Theo thông tin từ ngân hàng ngân hàng HDBank, trong tháng 2/2019, lãi suất huy động tại nhà băng này được giữ nguyên tất cả các kì hạn so với tháng trước. Mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm.
Theo đó, trong tháng 2/2019, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng HDBank được giữ nguyên ở tất cả các kì hạn so với mức công bố của các tháng trước đó. Theo đó, lãi suất tiền gửi thông thường theo hình thức lãi trả cuối kì dao động từ 0,7% – 7,4%/năm.
Tiết kiệm kì hạn từ 1 – 5 tháng đang được áp dụng mức lãi suất là 5,5%/năm; kì hạn 6 tháng, 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng đang được hưởng cùng mức lãi suất 6,4%/năm; các kì hạn 7 và 8 tháng có mức lãi suất là 6,3%/năm.
Tiền gửi tại các kì hạn dài như 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng đang được áp dụng chung một mức lãi suất là 7%/năm
Kì hạn 15 tháng đang được HDBank áp dụng mức lãi suất là 7,3%/năm.
Hiện HDBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm đối với tiền gửi kì hạn 13 tháng và 18 tháng.
Trong khi đó, ngày làm việc đầu năm mới, Ngân hàng Techcombank thông báo tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên mức 6,3% thay cho mức 6% áp dụng trước đó.
Sau Tết, ngân hàng Sacombank cho biết, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kì hạn 1 tháng lãi trả cuối kì tại ngân hàng Sacombank là 5%/năm; 2 tháng là 5,4%/năm (tăng 0,2 điểm %).
Lãi suất tiền gửi kì hạn từ 3 đến 5 tháng là 5,5%/năm. Kì hạn từ 6 đến 8 tháng đang được hưởng mức lãi suất là 6,5%/năm; kì hạn từ 9 – 11 tháng là 6,7%/năm.
Tiền gửi tiết kiệm kì hạn 12 tháng đang được hưởng mức lãi suất là 6,9%/năm; 15 tháng là 7,05%/năm; kì hạn 18 tháng là 7,2%/năm; kì hạn 24 tháng là 7,3%/năm; kì hạn 36 tháng là 7,4%/năm.
Đặc biệt, tiền gửi kì hạn 13 tháng đang được hưởng mức cao nhất 7,8%/năm áp dụng đối với số tiền gửi từ 100 tỷ trở lên. Nếu số dư tái tục nhỏ hơn 100 tỷ đồng, sẽ áp dụng theo mức lãi suất cuối kỳ của kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi thanh toán VNĐ trong tháng 2 tiếp tục giữ nguyên so với các tháng trước ở mức 0,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) thường xuyên có mức lãi suất huy động cao nhất. Sau Tết, VietCapitalBank vẫn duy trì chính sách lãi suất cao lên đến 8,7%/năm.
Cùng vị trí với ngân hàng TMCP Bản Việt là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) với mức cao nhất lên đến 8,7%/năm. Từ cuối năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) mới đẩy mạnh tăng lãi suất huy động này.
Đứng thứ ba là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với mức cao nhất hiện nay là 8,6%/năm. Ngân hàng này thời gian qua liên tục thay đổi biểu lãi suất.
Khác với động thái này, một số ngân hàng khác đã quyết định giảm lãi suất huy động ngay trước và sau kỳ nghỉ Tết. Ngân hàng ACB giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống 5,1%/năm thay vì mức 5,2% áp dụng trước đó; VietinBank giảm 0,3% ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng về mức lần lượt 5,5%/năm và 6,8%/năm. Trước đó, BIDV cũng giảm lãi suất kỳ hạn 5 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm. Tại VPBank, các khoản tiền gửi 6 tháng hiện chỉ còn có mức lãi suất 6,9%/năm thay vì mức 7%/năm trước đó.
Như vậy, trên thị trường tiền tệ hiện nay, mức lãi suất huy động cao nhất thuộc về nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần như Bắc Á, Việt Á, SCB, VietCapital. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vẫn duy trì mức lãi suất thấp.
Bình luận về xu hướng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây là diễn biến thú vị của thị trường, phản ánh sự khác biệt về khả năng và nhu cầu huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, điều này cũng có thể xuất phát từ định hướng điều chỉnh danh mục vốn và cơ cấu lại dòng tiền gửi và dòng vốn cho vay.