Kinhtedothi – Ngày 4/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tiếp tục kêu gọi Canada trả tự do cho Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu và “tránh phạm thêm sai lầm”.
Ottawa quan ngại khi Bắc Kinh cáo buộc 2 công dân Canada đánh cắp bí mật nhà nước
Ngày 4/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng ông “hết sức quan ngại” trước thông tin Trung Quốc tình nghi hai công dân Canada bị bắt trước đó tại Bắc Kinh làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia.
Phát biểu trước báo giới tại Charlottetown hôm 4/3, Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước những động thái của Trung Quốc”.
Thủ tướng Trudeau một lần nữa cho rằng Trung Quốc đã tùy tiện bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, một công dân khác của Canada cũng bị Trung Quốc tình nghi cung cấp nguồn thông tin quan trọng cho ông Kovrig và cũng bị bắt giữ trong tháng 12/2018.
Ông Trudeau cũng khẳng định sự an toàn và an ninh của công dân Canada là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Ottawa. “Đó là lý do tại sao ngay từ đầu chúng tôi đã nỗ lực bảo vệ hai công dân Canada đã bị Trung Quốc bắt giữ một cách tùy tiện”, nhà lãnh đạo Canada nói thêm.
Trong một tuyên bố ngắn được đăng trực tuyến trước đó cùng ngày, Ủy ban Chính trị và Pháp lý Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã buộc tội ông Michael Kovrig ăn cắp bí mật nhà nước và nhận thông tin từ ông Michael Spavor – một người Canada khác hiện đang bị giam giữ tại Bắc Kinh.
Cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc thông qua hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật nhà nước và hoạt động tình báo kể từ năm 2017, Xinhua đưa tin hôm 4/3, dẫn nguồn cơ quan chức năng Trung Quốc.
Bài báo dẫn các cáo buộc cho biết ông Kovrig vào Trung Quốc bằng hộ chiếu thông thường và thị thực kinh doanh, lấy thông tin tình báo từ Michael Spavor, một người Canada khác cũng hoạt động tại Trung Quốc.
Căng thẳng Trung Quốc – Canada tiếp tục leo thang
Quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh trở nên căng thẳng kể từ khi CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị giới chức Canada bắt giữ tại TP Vancouver hôm 1/12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ.
Cơ quan chức năng Canada thực hiện vụ bắt giữ bà Mạnh – con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, dựa trên cáo buộc của Washington rằng bà và Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Ngay sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ và điều tra 2 công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với cáo buộc “tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Trung Quốc bất ngờ ra tuyên bố cáo buộc mới nhất với hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor ăn cắp bí mật quốc gia chỉ vài ngày sau khi Ottawa quyết định thực hiện một phiên điều trần dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu đến Mỹ.
Theo ông David Mulroney – cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, các quan chức Trung Quốc có khả năng sẽ tăng áp lực đối với vụ việc liên quan đến ông Kovrig và Spavor trong thời gian tới.
Động thái mới từ phía Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng song phương, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Tư pháp Canada hôm 1/3 đã chính thức phê chuẩn các thủ tục dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Cũng trong ngày 1/3, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho CFO Huawei đã đâm đơn kiện Chính phủ Canada về vụ bắt giữ bà Mạnh ở Vancouver vào ngày 1/12/2018.
Đơn kiện dân sự đã được nhóm luật sư bảo vệ CFO Mạnh Vãn Chu gửi lên tòa án tối cao ở British Columbia, Canada hôm 1/3. Theo đơn kiện này, cách thức mà giới chức Canada sử dụng để thu thập chứng cứ và thông tin từ CFO Huawei cấu thành những vi phạm nghiêm trọng quy định của Canada về tự do và nhân quyền.
Đơn kiện nói các nhân viên của Cơ quan Biên vụ Canada (CBSA) cố tình không thực thi ngay lệnh bắt đối với bà Mạnh, mà lại thực hiện việc tạm giữ, lục soát và thẩm vấn để lấy chứng cứ từ bà trước khi bà chính thức bị bắt. Theo nội dung trong đơn kiện, cảnh sát liên bang Canada chỉ tiến hành việc bắt giữ 3 giờ sau khi bà Mạnh bị tạm giữ “bất hợp pháp” ở sân bay.
Ngoài ra, đơn kiện cho biết, bà Mạnh bị yêu cầu phải giao nộp toàn bộ các thiết bị điện tử, máy tính và mật khẩu, sau đó các nhân viên của CBSA tiến hành mở và xem bất hợp pháp các nội dung trên các thiết bị của bà – việc làm mà các luật sư của bà Mạnh đánh giá vi phạm quyền riêng tư.
Trong cuộc họp báo hôm 4/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng một lần nữa lại kêu gọi Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu và “tránh phạm thêm sai lầm”.
Người phát ngôn Lục Khảng cũng chỉ trích cả Mỹ và Canada đã lạm dụng các hiệp ước dẫn độ song phương của hai nước này. “Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc. Đây cũng là một sự kiện chính trị nghiêm trọng”, ông Lục Khảng nhấn mạnh.
Bà Mạnh, hiện đã được tại ngoại , dự kiến sẽ xuất hiện tại một tòa án ở Vancouver vào ngày 6/3 tới trong bối cảnh các công tố viên sẽ đưa ra bằng chứng chống lại bà. Sau đó, nếu thẩm phán ra lệnh dẫn độ, Bộ Tư pháp Canadasẽ đưa ra tiếng nói cuối cùng về việc có giao nộp bà cho phía Mỹ hay không.