(Dân Việt) Việt Nam đang tiến dần đến vị trí trung tâm trong các vấn đề của khu vực Đông Nam Á.
Ngoại giao cấp cao đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế song phương và đa phương ngày nay. Do đó, việc lựa chọn địa điểm để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quan trọng có thể mang giá trị biểu tượng và ý nghĩa về chính trị, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng của Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin.
Việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quan trọng như cuộc gặp lần hai gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giúp chủ nhà Việt Nam thu hút được sự chú ý của toàn thế giới và nâng cao vị thế chính trị của quốc gia mặc dù không có thỏa thuận nào đạt được sau cuộc họp vào tuần trước.
Việc chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp nói lên nhiều điều về những thay đổi địa chính trị kịch tính trong những thập kỷ gần đây, khi thế giới chứng kiến hành trình thay đổi của Mỹ và Việt Nam, từ hai quốc gia cựu thù trở thành đối tác an ninh, nhà báo Cary Huang viết.
Việt Nam thu hút sự chú ý của báo giới toàn cầu sau cuộc gặp Trump-Kim
Lý do Việt Nam được chọn có thể không chỉ vì đây là quốc gia trung lập về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hay cả Mỹ và Triều Tiên đều có đại sứ quán ở đó. Quan hệ hữu nghị của Việt Nam với tất cả các quốc gia quan trọng, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, cũng không phải là lý do chính.
Lý do quan trọng hơn cả là vì việc lựa chọn thủ đô Hà Nội mang lại lợi ích tốt nhất cho cả Bình Nhưỡng và Washington.
Việt Nam và Bắc Triều Tiên không chỉ có sự tương đồng về tư tưởng mà đều có kinh nghiệm chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ trong quá khứ. Ông Kim Jong Un có thể tham khảo cách Việt Nam kiến tạo mối quan hệ hòa bình với siêu cường quốc hùng mạnh nhất thế giới trong khi vẫn đạt được tốc độ phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bản thân ông Donald Trump từng cho biết, việc cân nhắc địa điểm là nhằm phát đi một thông điệp rằng, ông mong muốn nhà lãnh đạo Triều Tiên nhìn vào những kinh nghiệm của Hà Nội. Hợp tác với Mỹ, Triều Tiên có thể đạt được hai mục tiêu: chấm dứt sự cô lập chính trị và đạt được sự thịnh vượng về kinh tế.
Mặc dù không có thỏa thuận nào được đưa ra, hội nghị thượng đỉnh vẫn giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam
Giống như Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới kể từ khi bắt đầu cải cách thị trường vào giữa những năm 1980. Nhờ quy mô địa lý và dân số, Việt Nam có thể là một lựa chọn phù hợp hơn cho Triều Tiên so với Trung Quốc.
Triều Tiên hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Quốc gia này vẫn bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, ông Kim Jong Un đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn về phát triển kinh tế, có lẽ là vì ông nhận thấy đó là yếu tố cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của đất nước.
Trong khi đó, Hà Nội đã được hưởng lợi từ hội nghị thượng đỉnh khi thu hút nhiều sự chú ý của các phương tiện truyền thông thế giới. Việt Nam đã thể hiện được sự thành công trong phát triển kinh tế trong bối cảnh các cuộc gặp ngoại giao. Với vai trò quan trọng như vậy trong một sự kiện toàn cầu, Việt Nam chắc chắn sẽ gặt hái được những thành tựu ngoại giao và địa chính trị quan trọng.
Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Hà Nội những năm gần đây ngày càng mở cửa. Người Việt Nam cũng được hưởng nhiều quyền tự do hơn trong đời sống kinh tế, tôn giáo và xã hội.
Tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim sẽ củng cố vị thế của Hà Nội với tư cách là một trong những đối tác mạnh nhất của Washington tại Châu Á-Thái Bình Dương và tiếp tục nâng cao vị thế của mình trong các vấn đề khu vực.