CNN đưa tin, mới đây Mỹ đã cảnh báo Đức liên quan tới việc chia sẻ thông tin tình báo với các nước đang sử dụng thiết bị của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei để xây dựng mạng lưới truyền thông 5G.
Một quan chức Mỹ tiết lộ, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi một lá thứ tới chính phủ Đức vào tuần tước, trong đó đe dọa sẽ không cho Berlin tiếp cận nguồn tình báo của Mỹ nếu quốc gia châu Âu quyết định làm ăn với Huawei.
“Bộ Các vấn đề kinh tế và năng lượng Liên bang đã nhận được một lá thư; không có bình luận gì về nội dung của nó từ phía bên kia. Lời phúc đáp sẽ nhanh chóng được đưa ra”, Matthias Wehler, phát ngôn viên của Đại sứ quán Đức tại Washington DC, cho hay. Trước đó, ngày 7/3, Đức thông báo sẽ không cấm bất kỳ công ty nào tham gia đấu thầu cho các hợp đồng 5G.
Theo CNN, lá thư trên là tiếp nối của một loạt các động thái cảnh báo đến từ giới chức cấp cao nước Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pences – người từng cáo buộc Huawei có quan hệ với tình báo Trung Quốc, cũng như các nguy cơ về an ninh quốc gia từ việc tập đoàn này cung cấp thiết bị có thể dẫn tới tình trạng giám sát phi pháp.
Hôm thứ Hai (11/3), một bài viết trên trang CNN chỉ ra, ngay cả khi các tập đoàn mạng không dây lớn và chính phủ Mỹ né tránh Huawei vì những e ngại an ninh, thiết bị của “gã khổng lồ” Trung Quốc vẫn đang được triển khai trong các công ty nhỏ, được chính phủ trợ cấp tại Mỹ. Những công ty này thường mua các phần cứng sản xuất tại Trung Quốc và có giá thành rẻ hơn, để lắp đặt cho các tháp phát tín hiệu của mình. Và trong một số trường hợp, họ còn độc quyền phủ sóng tại các khu vực hẻo lánh, nhưng lại rất gần với một số căn cứ quân sự Mỹ.
Việc Mỹ liên tục gây áp lực chống lại Huawei – hiện đang là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và một vài đồng minh trở nên căng thẳng. Nó cũng là một trong những vấn đề lớn nhất trong quan hệ song phương Mỹ – Trung, vốn không ngừng tụt dốc trong những tháng gần đây vì xung đột thương mại.
Bắc Kinh và Huawei kiên quyết phủ nhận những cáo buộc của Washington, và tập đoàn Trung Quốc thậm chí còn khởi kiện chính phủ Mỹ liên quan tới Đạo luật ủy quyền quốc phòng 2019. Theo đạo luật này, các cơ quan chính phủ Mỹ bị cấm mua và sử dụng sản phẩm của Huawei. Mạng lưới 5G là hệ thống mạng không dây thế hệ tiếp theo được kỳ vọng là có tốc độ nhanh gấp 100 lần và đáng tin cậy hơn so với công nghệ hiện đại. Đây là một thị trường hứa hẹn trị giá hàng tỷ USD, do 5G đòi hỏi phải có điện thoại và thiết bị mới tương ứng.
Giới phân tích và điều hành trong ngành đánh giá, Huawei đã xây dựng và mở rộng vị thế như một tên tuổi dẫn đầu trong công nghệ 5G. Đối với nhiều nhà mạng không dây, Huawei cũng là cái tên rất khó để thay thế. Các nhà điều hành di động trên thế giới không ít lần phàn nàn rằng, chiến dịch của Mỹ đang làm phức tạp hóa những nỗ lực nâng cấp mạng lưới của họ.
Thông báo ngày 7/3 của Đức cũng tương tự như một quyết định trước đó của Anh. Cả hai nước đều cho rằng, họ có thể giảm thiểu tối đa bất kỳ nguy cơ nào (nếu có); và điều này chắc chắn sẽ khiến Washington gặp khó khăn hơn khi thuyết phục các nước nhỏ hơn.
Mạng 5G mà các đồng minh của Mỹ mua sẽ không phải là mạng lưới mà họ thực sự vận hành, bởi vì phần mềm có thể thay đổi theo nền tảng từng thời điểm một và do nhà sản xuất điều khiển.
Garrett Marquis
Garrett Marquis, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã vạch ra lý do tại sao mạng lưới 5G của Huawei có thể đem tới những nguy cơ liên tục thay đổi và khó đoán trước.
“Bởi vì mạng 5G hầu như dựa vào phần mềm, những cập nhật của nhà sản xuất cho mạng lưới có thể thay đổi đáng kể cách nó vận hành,” ông Garrett nói. “Mạng 5G mà các đồng minh của Mỹ mua sẽ không phải là mạng lưới mà họ thực sự vận hành, bởi vì phần mềm có thể thay đổi theo nền tảng từng thời điểm một và do nhà sản xuất điều khiển”.
Chiến dịch của Mỹ kêu gọi các nước như Anh, Australia, Ba Lan, EU, Philippine… cấm sử dụng công nghệ của Huawei. Trong một bài phát biểu tại Hungary hồi tháng 2/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, nếu các đồng minh của Mỹ chọn thiết bị Huawei, và nó “cùng tồn tại ở những địa điểm mà chúng ta có các hệ thống quan trọng của Mỹ, việc hợp tác giữa chúng tôi và đối tác sẽ trở nên khó khăn hơn”.
Vào tháng 3, nói chuyện trước các sinh viên tại Iowa, ông Pompeo cho biết, “mọi nơi tôi đi”, ông đều nhìn thấy “các quốc gia đang cân nhắc việc đưa công nghệ Huawei vào hạ tầng cơ sở chính phủ của mình”.
Theo ông, đang tồn tại một nguy cơ thật sự là “người Trung Quốc sẽ sử dụng điều này cho các mục đích phi thương mại, không liên quan tới lợi ích cá nhân mà vì lợi ích quốc gia”. “Và tôi nghĩ những nước trên nên suy nghĩ một cách rất, rất cẩn thận trước khi thực hiện”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà sáng lập Huawei, Ren Zhengfei tỏ ra không quá sợ hãi trước những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập tập đoàn trên thị trường quốc tế cũng như khởi tố con gái ông, CFO Huawei là bà Mạnh Vãn Châu. “Mỹ không thể đè bẹp chúng tôi”, ông Ren nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC phát sóng hôm thứ Ba (12/3). “Thế giới cần Huawei bởi vì chúng tôi có trình độ cao hơn”.