Trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức và chứng kiến sụt giảm mạnh nguồn cung, các chủ đầu tư có xu hướng tìm kiếm dự án mới tại các vùng ngoại vi và các tỉnh thành lân cận. Xu hướng này kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực nguồn cung từ năm 2020 với nhiều dự án mới được đưa ra thị trường.
“Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt từ Hàn Quốc, Đài Loan,” ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, phó giám đốc CBRE Việt Nam nói tại Hội nghị Bất động sản do Forbes Việt Nam tổ chức sáng nay, 7.11.
Trong phần trình bày đầu tiên, ông Kiệt đưa ra bức tranh tổng quan thị trường bất động sản tại hai thành phố trọng điểm là TP.HCM và Hà Nội.
Chín tháng đầu năm nay thị trường chứng kiến nhiều biến động. Tại TP.HCM ghi nhận sụt giảm mạnh về nguồn cung căn hộ do tác động của các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ, tranh chấp đất Thủ Thiêm và nhiều thay đổi trong luật đất đai khiến nhà đầu tư e dè, dẫn đến khan hiếm nguồn cung dự án mới trên thị trường.
Số liệu CBRE cho thấy, trong chín tháng đầu năm nay, tổng nguồn cung căn hộ chào bán mới ở các phân khúc tại Hà Nội và TP.HCM là 48.419 căn, tình hình bán hàng khá tốt và giá bán trung bình tăng ở cả hai thị trường, lần lượt 3% tại Hà Nội và 15% tại TP.HCM. Giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội trung bình 1.337 USD/m2 và 1.851 USD/m2 tại TP.HCM.
Nguồn cung được cải thiện trong quý III, TP.HCM có 10 dự án chào bán với quy mô 13.072 căn, tập trung ở quận 2, 6, 7, 9, Tân Phú và Tân Bình, trong đó có 1 dự án chiếm quy mô hơn 10.000 căn tại quận 9, hầu hết các dự án còn lại được chào bán là từ các dự án trước đó. Tuy nhiên tính chung chín tháng nguồn cung vẫn giảm 3% so với cùng kỳ.
Một điểm tích cực là tỷ lệ hấp thu ở mức cao và giá bán trung bình các phân khúc trong chín tháng đều tăng so với cùng kỳ. Theo đó số lượng bán tại TP.HCM hơn 23.922 căn, cao hơn lượng chào bán 21.619 căn. “Điều này cho thấy lực mua tại TP.HCM vẫn ở mức cao dù giá bán tăng, đặc biệt phân khúc hạng sang”, ông Kiệt cho hay.
Cũng theo CBRE Việt Nam, dự báo tình hình kinh doanh căn hộ ở TP.HCM tiếp tục xu hướng ổn định với nguồn cung hạn chế, giá bán sơ cấp dự báo tiếp tục tăng ở các phân khúc trung bình 5-10%/năm, đặc biệt tăng mạnh ở phân khúc hạng sang.
Trong khi đó tại Hà Nội, 9 tháng đầu năm nay thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận tăng trưởng về cả nguồn cung, cầu và kéo theo giá bán tăng. Riêng quý 3, Hà Nội có 18 dự án với 6.073 căn mới được chào bán. “Đây là thời điểm hiếm hoi Hà Nội có nguồn cung cao hơn TP.HCM, tính ít nhất trong 5 năm trở lại đây”, đại diện CBRE Việt Nam cho hay.
Trong năm 2019, CBRE Việt Nam đã điều chỉnh dự báo cho năm 2020 do đánh giá thị trường TP.HCM trước nhiều thách thức mới. Tuy nhiên nguồn cung năm 2020 tăng nhờ các dự án được khai thông, nhiều dự án đưa sản phẩm ra thị trường sau thời gian dài ngưng trệ, tình hình này dự báo tiếp tục trong năm 2021. Mức giá vẫn duy trì tăng dựa trên chi phí đầu tư, nhân công, lãi vay đều tăng nên giá cũng sẽ tăng.
Còn tại Hà Nội, năm 2020-2021 sẽ tiếp tục đà tăng và giá tiếp tục tăng nhưng dao động nhẹ 3-5%/năm.
Theo dự báo của đơn vị này, trong năm 2020, sẽ có 4 xu hướng dẫn dắt thị trường căn hộ, bao gồm các đô thị ở các vùng ngoại vi thành phố sẽ là nơi tạo nguồn cung chính; khả năng hấp thụ thị trường vẫn tốt hơn trong bối cảnh giá bán ổn định. Các nhà phát triển bất động sản sẽ chú trọng đa dạng sản phẩm mới nhưng tập trung vào sự tiện lợi của cư dân và tối đa hóa diện tích sử dụng. Một yếu tố quan trọng nữa sẽ thúc đẩy giá căn hộ tiếp tục tăng trong tương lai đến từ việc kết nối hạ tầng liên tỉnh, bao gồm các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Nguồn: Forbes Việt Nam
https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/bat-dong-san-tphcm-ky-vong-nguon-cung-moi-khoi-thong-thi-truong-8128.html