Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2005, được phê duyệt quy hoạch chi tiết trong mạng lưới đường bộ cao tốc Bắc – Nam vào năm 2010. Tuyến có lưu lượng xe hàng đầu hiện nay và kết nối khu vực ĐBSCL với trung tâm kinh tế lớn TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ công trình, sớm thông xe toàn tuyến là yêu cầu cấp bách.
Tiến độ chậm
Trong tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương được thông xe vào tháng 2-2010, nhằm giải quyết tình trạng quá tải trên quốc lộ 1A. Cao tốc này có chiều dài 40km, với 4 làn xe, đáp ứng khoảng 50.000 lượt ô tô lưu thông mỗi ngày, đồng thời rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Tiền Giang lên TP Hồ Chí Minh từ 90 phút còn hơn 30 phút. Sau hơn 9 năm khai thác, đầu năm 2019, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương dừng thu phí do hết hợp đồng, dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông khi nhiều xe dồn về cao tốc này, thường xuyên gây ùn tắc, mặt đường bị xuống cấp do không có nguồn kinh phí bảo trì…
Trong khi đó, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài hơn 51km, được khởi công lần 1 vào năm 2009. Thế nhưng, do nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, sau 10 năm thực hiện, dự án vẫn ì ạch và có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng BOT. Trước tình thế này, tháng 3-2019, các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia dự án, nhằm tăng cường năng lực quản trị, điều hành dự án. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các vướng mắc của dự án cơ bản được giải quyết.
Hiện nay, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư khoảng 12.186 tỉ đồng. UBND tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương giải phóng mặt bằng để các gói thầu được thực hiện đồng loạt, đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành dự án trong năm 2021. Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ góp phần giảm ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Song, vẫn còn cái khó khi dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài khoảng 23km chưa được đầu tư xây dựng.
Kiến nghị rút ngắn quá trình chọn nhà đầu tư
Cuối tháng 2-2020, Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) triển khai gói thầu xây lắp 01 – thi công đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang thuộc “Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu”, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.003 tỉ đồng. Theo đó, điểm phía Tiền Giang sẽ đấu nối với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; điểm phía Vĩnh Long đấu nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (thuộc TP Vĩnh Long); tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km, trong đó phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km, đối với phần cầu chính dài 1,9km được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Riêng dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 5.370 tỉ đồng. Trên cơ sở này, năm 2018, Bộ Giao thông vận tải tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, do có thay đổi về chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để phù hợp quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Giao thông vận tải hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và điều chỉnh dự án. Tháng 10-2019, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo điều chỉnh dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ với tổng mức đầu tư từ 5.370 tỉ đồng xuống 4.758 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án 932 tỉ đồng… Đến nay, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vẫn chưa chọn được nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng cũng chưa thực hiện. Việc chưa triển khai thi công kịp thời dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ dẫn đến những khó khăn, bởi không thể khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng quy định “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” theo Điều 26 Luật Đấu thầu, nhằm rút ngắn quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sớm hoàn thành. “Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ là xương sống trong mạng lưới giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL. Việc hoàn thiện và thông toàn tuyến có ý nghĩa lớn trong giảm ùn tắc giao thông, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực để ĐBSCL tăng tốc…” – PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội VARSI, cho biết.
(TTXVN)- Chiều 12-3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ GTVT đã báo cáo kết quả nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 cũng như kiến nghị một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư tại các dự án trên. Theo đó, Bộ GTVT đã đề xuất phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với một số dự án cấp bách nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng GT-VT lớn là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Trong đó, các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ cần được khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Thủ tướng nhất trí với phương án do Bộ GTVT đề xuất, yêu cầu bộ này phối hợp với các bộ liên quan có báo cáo chính thức về vấn đề này, trình cấp có thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải bảo đảm tiến độ, thời gian, chất lượng. Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thúc đẩy triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Về dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng đây là tuyến rất quan trọng để kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự kiến thông tuyến trong năm 2020, khánh thành vào năm 2021), do đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ dự án này một cách tốt nhất. Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Chỉ thị số 11/CT-TTg giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. PV |
Theo Bài, ảnh: Hồng Bảo/ Báo Cần Thơ
Link bài gốc: https://baocantho.com.vn/som-dau-tu-hoan-thien-cao-toc-tp-ho-chi-minh-can-tho-a119149.html